Sudan và cuộc khủng hoảng nhân đạo bị lãng quên
(ĐCSVN) – Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Sudan tiếp tục trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Hàng triệu người đang rất cần sự giúp đỡ. Xung đột đã khiến hơn 14 triệu người phải di dời, trong nước và xuyên biên giới, đồng thời khiến hàng triệu người khác, đặc biệt là trẻ em, cực kỳ dễ bị tổn thương.
Sudan, một trong những nước nghèo nhất thế giới, đã trở thành chiến trường khi xung đột nổ ra từ tháng 4/2023 bắt đầu bằng căng thẳng giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) dưới quyền Tướng Abdel Fattah Al-Burhan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) của Tướng Mohamed Hamdan Dagalo leo thang thành bạo lực ở thủ đô Khartoum trước khi lan rộng trên toàn quốc. Gần đây, lực lượng bán quân sự còn tiếp tục tăng cường bạo lực chống lại dân thường ở bang nông nghiệp Al-Jazira, phía Nam thủ đô Khartoum, sau khi chỉ huy của họ ở khu vực này quay sang gia nhập quân đội.
Trên khắp đất nước Sudan, thường dân bị mắc kẹt giữa hai làn đạn, phải đối mặt với cảnh đổ máu và thiếu thốn mọi thứ. Các nỗ lực cung cấp viện trợ gặp khó khăn do lệnh cấm vận của các bên tham chiến, khiến tình hình tại Sudan ngày càng trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.
Ảnh chụp từ trên cao về việc phân phát các nhu yếu phẩm cơ bản cho người tị nạn Sudan tại Chad. (Ảnh: UNHCR) |
Những con số thực tế tồi tệ…
Dữ liệu về Địa điểm và Sự kiện xung đột vũ trang (ACLED) ghi nhận 24.000 người đã thiệt mạng kể từ khi xung đột nổ ra giữa SAF và RSF. Gần đây nhất, RSF đã thực hiện vụ thảm sát nhằm vào người dân của làng al-Sariha ở bang Al-Jazira khiến 124 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương sau khi bao vây ngôi làng này từ ngày 25/10.
Khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản như nước sạch, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở rất hạn chế. Những cơ sở hạ tầng quan trọng bị sụp đổ hàng loạt kéo theo nhu cầu cần được hỗ trợ trở nên quá lớn. Tình hình nghiêm trọng kéo dài khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng, trong bối cảnh một nửa dân số Sudan đang phải vật lộn để sinh tồn với lượng thực phẩm tối thiểu, đặc biệt tại khu vực Bắc Darfur. Liên hợp quốc cảnh báo, gần 25 triệu người Sudan cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Trong khi đó, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ước tính có khoảng 13 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ cao. 14 khu vực của đất nước đang trên bờ vực của nạn đói. Và tại trại Zamzam, Bắc Darfur, nạn đói đã được xác nhận. Đây là cấp độ cao nhất theo tiêu chí rất chính xác được các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc sử dụng và dựa trên thang đo được gọi là Khung phân loại an ninh lương thực tích hợp (IPC).
Các chuyên gia của Liên hợp quốc cho biết thêm, trước khi xảy xung đột, khoảng 65% dân số Sudan đã sống trong tình trạng nghèo đói. Ở thời điểm hiện tại, ngày càng nhiều người dân nước này phải đối mặt với cảnh sống khổ cực hơn bao giờ hết.
Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) vừa thông báo, xung đột tại Sudan đã dẫn đến cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới trong năm 2024, với 11 triệu người phải di dời trong nước và 3,1 triệu người đã chạy sang các quốc gia láng giềng. Số người phải di dời thậm chí đã tăng thêm 200.000 trường hợp tính từ tháng 9, trong đó hơn một nửa là phụ nữ và trẻ em dưới 5 tuổi. Quy mô của tình trạng di dời và nhu cầu nhân đạo vẫn đang tăng lên mỗi ngày. Và như chúng ta đã thấy ở Port Sudan và Kassala, những người buộc phải rời bỏ nhà cửa là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Họ phải chịu đựng điều kiện sống cực kỳ khó khăn trong những nơi trú ẩn tạm bợ, không được hưởng những dịch vụ cơ bản nhất và phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng.
Phụ nữ và trẻ em tại Sudan - những nạn nhân chịu tổn thương nặng nề nhất bởi xung đột. (Ảnh: UNHCR) |
Đặc biệt, UNICEF cho biết chỉ riêng năm nay, dự kiến có 3,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng và cần được điều trị khẩn cấp để được cứu sống. Những đứa trẻ này đã yếu đi vì đói. Nếu không được điều trị nhanh chóng, các em có nguy cơ tử vong vì những căn bệnh có thể phòng ngừa được cao gấp 11 lần so với những em cùng tuổi khỏe mạnh hơn.
Các cơ quan Liên hợp quốc cũng đã chỉ ra rằng 16 triệu trẻ em, tức 3/4 trẻ em, bị đói ở mức độ “khủng hoảng”, “khẩn cấp” hoặc “thảm họa”, gần gấp đôi so với 8,3 triệu trẻ em được ghi nhận vào tháng 12 năm ngoái.
Không những thế, trẻ em Sudan bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động nhân đạo. Theo các nguồn tin, hơn 10 triệu trẻ em - hay một trong hai trẻ em - đã ở trong phạm vi 5km tính từ tiền tuyến của cuộc xung đột, khiến các em phải đối mặt với các vụ xả súng, đánh bom và bạo lực chết người khác, và hơn 4,6 triệu em trong số đó đã phải rời bỏ nhà cửa.
Xung đột vũ trang tranh chấp quyền lực đã tàn phá thủ đô Khartoum, nơi từng là trung tâm thương mại và văn hóa lớn trên sông Nile. Các khu dân cư hoang vắng hiện ra với những tòa nhà đầy vết đạn, còn những thi thể phải chôn trong những ngôi mộ nông. Việc đóng cửa các trường phổ thông và đại học ở một quốc gia vốn từng thu hút nhiều sinh viên nước ngoài đã gây ra điều mà Liên hợp quốc gọi là “cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất thế giới”.
Trong khi đó, bạo lực tiếp tục gia tăng ở Darfur, khu vực phía Tây Sudan vốn đã bị tàn phá bởi nạn diệt chủng kéo dài hơn 20 năm. Nhà cửa bị đốt cháy và những dòng người tị nạn chạy trốn bạo lực phải vượt biên sang các nước láng giềng mà không biết bao giờ mới có thể trở lại quê hương…
Có thể thấy rằng, cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Sudan “vốn đã rất thảm khốc” nay lại đang tiếp tục trở nên tồi tệ hơn. Như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ngày 28/10, từng nói: "Một lần nữa, Sudan đang nhanh chóng trở thành cơn ác mộng của bạo lực sắc tộc hàng loạt"; đồng thời ám chỉ đến một cuộc xung đột ở Sudan khoảng 20 năm trước dẫn đến việc Tòa án Hình sự Quốc tế buộc tội các cựu lãnh đạo Sudan về tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người.
Thêm vào đó, Sudan có vị trí then chốt tại châu Phi, với đường bờ biển dài trên Biển Đỏ, một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới. Sudan có chung biên giới với 7 quốc gia. Chính vì vậy, bạo lực kéo dài và leo thang không chỉ tác động xấu tới tình hình trong nước mà còn gây bất ổn trong khu vực, khi mà nhiều nhóm quân nổi dậy lợi dụng tình thế đã tiến hành cướp bóc dọc biên giới.
Xung đột tại Sudan đã dẫn đến cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới trong năm 2024. (Ảnh: UNHCR) |
… một cuộc khủng hoảng đang bị lãng quên
Diễn đàn Điều phối Nhân đạo (HCF) đã cảnh báo rằng tình hình đang trở nên “ngày càng nghiêm trọng” ở Sudan, với tình trạng giao tranh vẫn tiếp diễn và các tình trạng giống như nạn đói ảnh hưởng đến nhiều người dân trong nước.
Trong khi đó, cho tới thời điểm hiện tại, cơ hội hòa bình cho quốc gia Bắc Phi này vẫn ngày càng trở nên mong manh khi các bên tham chiến chưa thể đưa lập trường xích lại gần nhau hơn trong các cuộc đàm phán. Cuộc khủng hoảng ở Sudan nghiêm trọng đến mức sau 4 vòng đàm phán, các bên vẫn chỉ chạm đến bề nổi những gì người dân Sudan cần trợ giúp. Ngoài cam kết liên quan tới vấn đề nhân đạo, các nhà trung gian chưa thể đưa hai bên tham chiến xích lại gần nhau.
Bất chấp các cảnh báo và lệnh trừng phạt quốc tế liên tục được đưa ra, tham vọng tranh giành lợi thế quân sự vẫn tiếp tục lấn át khát vọng hòa bình tại Sudan khi không bên nào sẵn sàng cam kết hướng tới một thỏa thuận lớn vì lợi ích hòa bình, hay thậm chí chỉ một lệnh ngừng bắn tạm thời để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao. Những bất đồng và hỗn loạn kéo dài đang dần làm tiêu tan hy vọng về một tương lai khi đất nước Sudan có thể sớm khôi phục lại trật tự theo Hiến pháp.
Trong bối cảnh đó, trở ngại chính đối với việc cung cấp viện trợ thiết yếu là đảm bảo khả năng tiếp cận an toàn và không bị cản trở cho các cộng đồng có nhu cầu ở tất cả các khu vực của Sudan. Các cơ quan của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm cung cấp viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật phải được chính phủ nước này cho phép để đảm bảo sự hiện diện bền vững ở tất cả các cộng đồng bị ảnh hưởng. Thực tế trên thực địa vẫn còn nhiều trở ngại về hậu cần và hành chính. Những hạn chế về khả năng tiếp cận này cản trở khả năng của Liên hợp quốc trong việc phân phát các nguồn cung cấp quan trọng, bảo vệ những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất và giám sát hiệu quả việc cung cấp viện trợ để đảm bảo viện trợ đến được tay những người cần trợ giúp.
Mặc dù ghi nhận những đảm bảo về hợp tác, đặc biệt là việc mở cửa biên giới Chadian cho các nguồn cung cấp nhân đạo, nhưng điều cần thiết là phải hiện thực hóa những cam kết này. Các tổ chức Liên hợp quốc vừa qua đã liên tục kêu gọi tái lập các văn phòng tại Zalingei, Trung Darfur và Kadugli, Nam Kordofan. Điều cần thiết là phải đơn giản hóa và đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt các chuyến hàng viện trợ và nhân sự, bao gồm cả việc tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận các đường phân giới, bởi vì bất kỳ sự chậm trễ nào, đặc biệt là liên quan đến thực phẩm thiết yếu, sức khỏe, dinh dưỡng và các nguồn cung cấp cứu trợ thiết yếu khác, đều để lại hậu quả tàn khốc. Các đối tác nhân đạo phải có khả năng bảo đảm phân phát hiệu quả các nguồn cung cấp và hỗ trợ nhân đạo cho những người có nhu cầu. Chính phủ Sudan và tất cả các bên xung đột khác phải tránh các yêu cầu hành chính nặng nề và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp vật tư cho các cộng đồng có nhu cầu một cách không chậm trễ.
Trong bối cảnh bất chấp nhiều nỗ lực ngoại giao và kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp nhân đạo quốc tế, việc coi thường các luật này vẫn còn “rất phổ biến trong cuộc xung đột”, các cơ quan nhân đạo liên tục nhấn mạnh: “Sudan, nơi đang xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất, phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế”.
Ngoài ra, người tị nạn cũng cần được hỗ trợ bảo vệ lâu dài và tư vấn pháp lý. Liên hợp quốc cũng đồng thời kêu gọi tăng cường các hoạt động xuyên biên giới giữa Chad và Sudan để tạo điều kiện viện trợ đến được với các cộng đồng có nhu cầu khẩn cấp.
Thêm vào đó, việc bảo vệ thường dân phải được đặt lên hàng đầu. Tất cả các bên trong cuộc xung đột cần tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và ưu tiên bảo vệ thường dân, những người tiếp tục phải chịu đựng những nỗi đau không thể tưởng tượng được. Dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, phải chịu những vi phạm nghiêm trọng về quyền con người. Những hành động tàn ác này phải chấm dứt ngay lập tức.
Chúng ta cần bảo đảm rằng những người dễ bị tổn thương nhất phải được bảo vệ khỏi bị tổn hại thêm. (Ảnh: UN) |
Tuy nhiên, chỉ viện trợ nhân đạo thì không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này; chúng ta cũng cần bảo đảm rằng những người dễ bị tổn thương nhất phải được bảo vệ khỏi bị tổn hại thêm. Người dân Sudan cần hành động tập thể của cộng đồng quốc tế không chậm trễ.
Tuy nhiên, mặc dù các cơ quan Liên hợp quốc cùng các tổ chức cứu trợ nhân đạo vẫn đang nỗ lực không mệt mỏi và toàn diện để cung cấp các dịch vụ thiết yếu, từ nơi trú ẩn khẩn cấp và nước đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tâm lý xã hội; song nếu không có sự hỗ trợ quốc tế bền vững, bao gồm cả sự quan tâm đến các biện pháp chính trị để giải quyết xung đột và loại bỏ các trở ngại quan liêu và an ninh, thì tình hình chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục xấu đi.
Liên hợp quốc và các quốc gia trung gian cần khẩn trương tổ chức các cuộc thảo luận liên quan đến mục tiêu thiết lập cơ chế giám sát được các bên thống nhất. Những cơ chế này có vai trò đặc biệt để bảo đảm thực thi hiệu quả lệnh ngừng bắn và đạt được các mục tiêu nhân đạo hướng tới. Quan trọng hơn, các bên liên quan tới xung đột, đặc biệt là SAF và RSF, phải tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán để đưa ra một giải pháp toàn diện, lâu dài nhằm chấm dứt hoàn toàn xung đột tại Sudan.
Đúng như lời kêu gọi của Phó Giám đốc Điều hành của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Ted Chaiban đưa ra mới đây, cộng đồng quốc tế cần chú ý nhiều hơn đến “cuộc khủng hoảng bị lãng quên” ở Sudan, nơi xung đột trong hơn một năm rưỡi qua đã đẩy quốc gia châu Phi này đến bờ vực nạn đói./.