Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Sức mạnh hệ thống” trong phát triển khoa học và công nghệ

Thứ Năm, 08/06/2023 14:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Qua hơn 28 năm xây dựng và khẳng định “sức mạnh hệ thống”, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã hình thành một mô hình đại học năng động, hiện đại, hội nhập bình đẳng với các nền giáo dục trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN).

Nhiều năm qua, ĐHQG-HCM đã và đang kiên trì thực hiện chiến lược phát triển KH&CN kết hợp với giáo dục và đào tạo theo hướng gắn kết các hoạt động KH&CN với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội trong nước và hội nhập quốc tế.  

ĐHQG-HCM hiện có hơn 6.000 cán bộ, viên chức, giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ sư và người lao động; trong đó có hơn 1.100 tiến sĩ, khoảng 350 giáo sư, phó giáo sư và hơn 2.400 thạc sĩ. Với định hướng trở thành đại học nghiên cứu, nhiều năm qua ĐHQG-HCM đã và đang kiên trì thực hiện chiến lược phát triển KH&CN kết hợp với giáo dục và đào tạo theo hướng gắn kết các hoạt động KH&CN với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội trong nước và hội nhập quốc tế. Với mô hình quản trị ĐHQG-HCM đang xây dựng, sự tương tác giữa các đơn vị thành viên với nhau, giữa các đơn vị thành viên với các đơn vị trực thuộc, giữa các cá nhân với tập thể đã, đang và sẽ tạo lực đẩy cho toàn hệ thống ĐHQG-HCM.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Kết luận số 50-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), ĐHQG-HCM xem đây là các cơ sở pháp lý định hướng khoa học quan trọng nhất để triển khai thực hiện điều chỉnh chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011- 2025 và xây dựng chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn đến năm 2023.

ĐHQG-HCM đã tổ chức trao tặng  túi nước dự trữ phục vụ sinh hoạt ứng phó hạn mặn cho tỉnh Bến Tre 

Trong suốt 10 năm thực hiện Nghị quyết, ĐHQG-HCM đã liên tục có những chỉ đạo sát sao theo từng thời kỳ ứng với từng cấp độ quản lý hướng tới nâng cao nhận thức của cán bộ, viên chức, người lao động, đảng viên về vị trí, vai trò của KH&CN. Các văn bản, quyết sách của Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQG-HCM ban hành thể hiện rõ chiến lược của ĐHQG-HCM.

Từ những nỗ lực không ngừng, ĐHQG-HCM đã khẳng định vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học tại khu vực phía Nam, tạo dựng được nhiều mối quan hệ hợp tác KH&CN lớn trong và ngoài nước, đóng vai trò chủ lực trong việc thực hiện các chương trình KH&CN của TP, triển khai thành công các hợp tác quốc tế đã ký kết.

Đến nay, ĐHQG-HCM đã hình thành một hệ thống trên 100 phòng thí nghiệm, gồm 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 11 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Đại học quốc gia và các phòng thí nghiệm cấp khoa học phục vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo theo các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm.

 ĐHQG-HCM đã hình thành một hệ thống trên 100 phòng thí nghiệm, gồm 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 11 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Đại học quốc gia...

Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM đã thiết lập quan hệ với các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học hàng đầu trong nước và thế giới như: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, University of California, Berkeley, University of California, Los Angeles, Đại học Tokyo, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Quốc gia Đài Loan (Trung Quốc), ĐHQG-HCM cũng là thành viên của các tổ chức đại học khu vực và thế giới như AUN, AUF, CHEA…

Về công bố khoa học, những năm qua, ĐHQG-HCM là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về công bố khoa học, đặc biệt là trên các tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus. Giai đoạn 2017-2022, ĐHQG-HCM đã công bố 7.881 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực Computer Sciences Mathematics, Mathematics, Physics an Astronomy… Chỉ tính riêng trong năm 2022, tổng số bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí, hội nghị trong danh mục cơ sở dữ liệu Scpous đạt xấp sỉ 2.300 bài, là đơn vị có công bố quốc tế nhiều nhất cả nước.

Giai đoạn 2017-2022, toàn ĐHQG-HCM thực hiện 6.373 hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ với tổng doanh thu trung bình hằng năm đạt 216 tỷ đồng. ĐHQG-HCM đã tiến hành đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với 645 đơn, 243 đơn được cấp bằng, trong đó hơn 50% là các sáng chế, giải pháp hữu ích và thiết kế bố trí mạch tích hợp; đã hỗ trợ cho gần 110 nhóm dự án khởi nghiệp, tạo điều kiện cho gần 9.000 người tham gia học tập, thực tập và làm việc thường xuyên (giai đoạn 2019-2022). Trong giai đoạn 2017-2022, ĐHQG-HCM đã phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh đồng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo và thực hiện 169 nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm, các đề tài, dự án phát triển du lịch, kinh tế- xã hội.

Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ đã được ĐHQG-HCM triển khai thành công trong giai đoạn 2014- 2020, tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực, giải quyết những vấn đề bức thiết về biến đổi khí hậu, liên kết vùng, phát triển bền vững cho vùng Tây Nam bộ, tiêu biểu như: Mô hình liên kết chuỗi giá trị, đa dạng hóa các sản phẩm chủ lực; mô hình thủy canh aquaponics tạo ra nguồn thực phẩm tự nhiên, thân thiện với môi trường đã được chuyển giao cho Đồng Tháp, TP Cần Thơ; mô hình nuôi tôm bền vững dựa trên kiểm soát và xử lý nước ao nuôi tôm bằng vật liệu và công nghệ nano được chuyển giao cho Bến Tre, Kiên Giang…

  ĐHQG-HCM đã thiết lập quan hệ với các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học hàng đầu trong nước và thế giới để thực hiện công tác nghiên cứu KH&CN.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm hữu ích từ kết quả nghiên cứu chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm ĐHQG-HCM đã được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn như: Các sản phẩm của phòng thí nghiệm Tế bào gốc; dự án bảo tồn nguồn gen động vật quý của Việt Nam; dự án “Nghiên cứu chọn tạo và nhân giống dừa có năng suất, chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững cây dừa cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”…

ĐHQG-HCM cũng đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp-ĐMST trong đại học đầu tiên của cả nước đặt tại khu công nghệ phần mềm và các đơn vị thành viên, tiêu biểu là trường Đại học Bách khoa. Thông qua các hoạt động, đến nay hệ sinh thái khởi nghiệp-ĐMST ĐHQG-HCM đã hỗ trợ khá nhiều nhóm nghiên cứu và sinh viên khởi nghiệp.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển cho đến nay, ĐHQG-HCM đã phát huy được vai trò của cơ quan nòng cốt về KH&CN lớn nhất cả nước thông qua việc thực hiện tốt các chương trình trọng điểm quốc gia, cũng như các nhiệm vụ KH&CN quan trọng do Chính phủ giao./.

Hoàng Mẫn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN