Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sửa Luật Việc làm có khắc phục được vướng mắc về bảo hiểm thất nghiệp?

Thứ Ba, 24/09/2024 18:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sửa đổi Luật Việc làm lần này có khắc phục được những vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay không? Đây làm một trong những vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Ban Soạn thảo làm rõ.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, chiều 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, so với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình tại phiên họp. 

Đáng chú ý, dự luật mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo hướng bổ sung đối tượng tham gia BHTN gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên (hiện nay từ 03 tháng trở lên); Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất, thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Đồng thời linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm…

Ngoài ra, dự luật cũng sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; Bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động..

Luật phải gọn, rõ, dễ áp dụng

 Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Luật Việc làm (sửa đổi) là luật hết sức quan trọng trong chương trình xây dựng pháp luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đại hội XIII của Đảng đã xác định đột phá liên quan đến thị trường lao động là đột phá phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, việc hoàn thiện Luật Việc làm (sửa đổi) cần thể hiện đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, đồng bộ với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động.

Lưu ý rằng dự thảo luật sửa đổi có tới hơn 120 điều (luật hiện hành chỉ có 61 điều), Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát kỹ, chỉ quy định vào dự thảo những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đảm bảo gọn, rõ, dễ áp dụng. Đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát kỹ nội dung dự thảo luật với các luật khác như: Bộ Luật Lao động; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Người cao tuổi; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tránh chồng chéo và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. 

Liên quan đến toàn bộ quy định về bảo hiểm thất nghiệp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Soạn thảo khẳng định việc sửa luật lần này có khắc phục được những vướng mắc hiện nay không?. “Đây là câu hỏi lớn nhất mà câu trả lời là quan trọng nhất của chúng ta, nhất là việc thực hiện vai trò duy trì việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, người sử dụng lao động” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Đồng thời đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách; Ủy ban Kinh tế; Bộ Tài chính cho ý kiến thêm về quan điểm đối với nội dung liên quan đến các chính sách quy định sử dụng ngân sách nhà nước và nguồn vốn cho vay để giải quyết việc làm.

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tham gia góp ý, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cơ thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc giải thể Quỹ quốc gia về việc làm, chuyển toàn bộ số dư của quỹ về ngân sách trung ương để bố trí dự toán qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các hoạt động cho vay. Vì thực tế Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm không cho vay trực tiếp mà giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý và cho vay, báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét có cần thiết hay không.

Bên cạnh đó, theo Tổng Thư ký Quốc hội, hoạt động cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội là nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thống nhất quy định bố trí chi đầu tư phát triển cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay. Đồng thời, đề nghị xem xét bỏ khoản 2 Điều 8 dự thảo luật vì khoản này quy định chỉ chi từ ngân sách địa phương; hơn nữa việc sử dụng chi thường xuyên ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước.

“Trước đây khi xem xét cơ chế cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội cũng chỉ cho phép áp dụng thí điểm sử dụng chi thường xuyên ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trong chương trình mục tiêu quốc gia, vì chương trình này cần cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ và chỉ riêng cho việc thực hiện các chương trình này. Do đó, tôi đề nghị rà soát cho chặt chẽ” - ông Bùi Văn Cường đề nghị./.

Tú Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN