Sửa Luật Đất đai: Bảo đảm thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW
(ĐCSVN) - Việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng là yêu cầu tiên quyết của việc xây dựng dự án Luật; đặc biệt với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 11/5. Bản dự thảo luật hoàn thiện này gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo Luật lấy ý kiến Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đánh giá, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất đã có bước tiến rất quan trọng về chất lượng. Nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết, sát thực tế và có tính khả thi cao hơn và từng bước tháo gỡ được những vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, phúc đáp được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát và quán triệt đầy đủ các quan điểm, nguyên tắc và nội dung trong Nghị quyết 18-NQ/TW. Trong đó, một quan điểm rất quan trọng trong Nghị quyết 18-NQ/TW về chính sách pháp luật đất đai: "Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa và hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế", nhưng việc thể chế hóa chủ trương này trong dự thảo luật còn rất mờ nhạt, không có chương riêng đối với vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo phối hợp cơ quan thẩm tra để nghiên cứu, thiết kế thêm một số điều, thậm chí có chương riêng về quán triệt quan điểm, nguyên tắc và nội dung trong Nghị quyết 18-NQ/TW.
“Điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê đất đai, trách nhiệm của các cấp, các ngành như, xây dựng dữ liệu về đất đai, lượng hóa, hạch toán đầy đủ… Đây là một vấn đề lớn cần phải được thể chế hóa”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý một số nội dung khác cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn Nghị quyết 18-NQ/TW như: cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất; hoặc đầu cơ, chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất; quản lý tiết kiệm, hiệu quả nguồn thu từ đất giữa trung ương và địa phương; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản; khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp; Cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững...
Ảnh minh họa (Nguồn: Kim Thanh) |
Nghiên cứu dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đặt ra yêu cầu cần làm rõ thêm mức độ thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW, với một số nội dung. Nghị quyết 18-NQ/TW có phạm vi điều chỉnh rộng, không chỉ liên quan đến đất đai, mà còn liên quan đến thị trường bất động sản và một số lĩnh vực khác. Vì vậy, Luật Đất đai không thể thể chế toàn diện Nghị quyết 18-NQ/TW, mà cần thể chế trong một số luật khác như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng…; có những nội dung thể chế được trong luật nhưng cũng có vấn đề sẽ thể chế trong văn bản của Chính phủ.
Về hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi sử dụng đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Nghị quyết 18-NQ/TW nêu: Các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật, nhưng ở Điều 115 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về giao đất, thu tiền sử dụng đất không có tổ chức tôn giáo, mà chỉ có tổ chức kinh tế, cá nhân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng quy định "thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người sản xuất do thu hồi", nhưng dự án Luật chưa thể hiện rõ quy định này. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới dừng ở quy định có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tức là vẫn dùng phương án của luật hiện hành. Dẫn chứng số liệu điều tra của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, có khoảng 10% nông dân có đất bị thu hồi tìm được việc làm mới, 30% lao động nông thôn, nông nghiệp bị thu hồi đất có việc làm nhưng thu nhập không ổn định, chủ yếu là phụ hồ, buôn bán nhỏ, bán dạo, xe ôm, đồng nát, 53% số hộ có thu nhập giảm so với trước khi bị thu hồi đất, mà số hộ có thu nhập khá chỉ hơn 13%.
"Rõ ràng nếu số liệu như vậy thì việc thể chế hóa Nghị quyết số 18 về thực hiện đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất thu hồi phải rõ hơn". Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải có phương án về đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất thu hồi, hoặc là phải quy định trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải có phương án tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người bị thu hồi đất và có nhu cầu.
"Người ta bảo cứ trả đất cho tôi thì tôi đi đâu, tôi làm gì kệ tôi là chuyện khác, nhưng Nhà nước phải có trách nhiệm và phải thể chế hóa Nghị quyết 18 ở chỗ này", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Về hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, Nghị quyết 18-NQ/TW nêu: Có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về quan điểm nâng cao chất lượng công tác định giá đất được thể hiện cụ thể trong điều khoản nào của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và quan điểm đã nêu tại Thông báo số 1493/TB-TTKQH và Thông báo số 2083/TB-TTKQH, nếu là những nội dung chưa được tổng kết, vì vậy chưa được đề cập trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, nay thực tiễn phát sinh đòi hỏi có cơ chế xử lý, Nhân dân có ý kiến đề xuất cụ thể, quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động của Cơ quan soạn thảo cho thấy cơ sở hợp lý của quy định, Cơ quan soạn thảo nhận định cần thiết bổ sung quy định thì đề nghị báo cáo Chính phủ, Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến, làm cơ sở hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội. Nếu là những nội dung đã được tổng kết nhưng chưa đạt được sự đồng thuận, còn có ý kiến khác nhau, chưa đủ chín, đủ rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn, vì vậy, không được kết luận tại Nghị quyết số 18-NQ/TW thì đề nghị không đưa vào dự thảo Luật.
Rõ ràng, việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng là yêu cầu tiên quyết của việc xây dựng dự án Luật, đặc biệt với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trên cơ sở tổng kết toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW làm định hướng cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, trong đó có việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc vào ngày 22/5 tới đây. Dự luật mới nhất được đánh giá đã có bước tiến rất quan trọng về chất lượng. Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm. Nhưng để nâng cao hơn nữa chất lượng của dự thảo Luật, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục chắt lọc các ý kiến đóng góp, bám sát thực tiễn đời sống xã hội, khung khổ các cơ sở chính trị về đất đai, bảo đảm các chủ trương mới của Đảng về chính sách đất đai phải được thể chế hoá bằng pháp luật, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai và hạn chế tình trạng khiếu kiện, tố cáo trong lĩnh vực này/.