Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự điều chỉnh hợp lý!

Thứ Tư, 31/03/2021 21:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Việc bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là một điều chỉnh hợp lý, đúng đắn để đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như giảm chứng chỉ, bằng cấp “không cần thiết”.

Các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp vừa “trút” được gánh nặng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Niềm vui này đến từ việc Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành thông tư 21/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp quy định nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Theo đó, điểm mới được đón nhận là kể từ 10/3/2021, quy định nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ chính thức được bãi bỏ.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Dũng Thanh)

Trước đây, theo quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ thì nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thì nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải có chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học.

Cụ thể, nhà giáo dạy trình độ sơ cấp phải có trình độ ngoại ngữ Bậc 1 (A1); nhà giáo dạy trình độ trung cấp, cao đẳng phải có trình độ ngoại ngữ Bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương trở lên.

Nhà giáo dạy trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng phải có trình độ tin học đạt Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc tương đương trở lên.

Thực tế triển khai những năm qua cho thấy, do “áp lực” phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong một thời gian ngắn nên dẫn đến nảy sinh những tiêu cực trong việc học, thi lấy chứng chỉ. Một số cơ sở, đơn vị đào tạo, bồi dưỡng không có chất lượng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không đúng quy định gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Với việc ban hành Thông tư số 21/2020/TT-BLĐTBXH, thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chính thức bỏ yêu cầu nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần khắc phục bất cập nói trên.

Yêu cầu về ngoại ngữ đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp không còn quy định bắt buộc phải đảm bảo bậc 01, bậc 02 theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT về khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam.

Cũng giống như yêu cầu về ngoại ngữ, yêu cầu về trình độ tin học đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp không còn bắt buộc phải đạt Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.

Tất nhiên, giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc cung ứng nhân lực có kỹ thuật cho nền kinh tế quốc dân, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Chính vì vậy xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là điều rất quan trọng, nhất trong bối cảnh hiện nay, giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Vấn đề năng lực của nhà giáo cần phải thích ứng với thời đại công nghệ thông tin, thiết kế bài giảng hiện đại, phù hợp với yêu cầu của xã hội, của doanh nghiệp… đang đặt ra trước mắt.

Dù vậy, việc bỏ quy định nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không có nghĩa là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được “xem nhẹ” hoặc “hạ thấp” mà đã được nghiên cứu, điều chỉnh một cách hợp lý để đảm bảo các yêu cầu về năng lực này được quy định hiệu quả và thực chất hơn. Thay vì quy định bắt buộc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì thông tư mới yêu cầu nhà giáo phải có năng lực sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định. Qua đó, tăng cường phân cấp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Như thế, rõ ràng việc bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là một điều chỉnh hợp lý, đúng đắn để đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như giảm chứng chỉ, bằng cấp “không cần thiết”./.

 

Phạm Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN