Sơn La: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo
(ĐCSVN) – Những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Với những cách làm cụ thể, biện pháp phù hợp, chủ trương trên đã trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức của người dân; tạo chuyển biến tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở; giảm tình trạng đơn, thư khiếu nại vượt cấp, giữ gìn và bảo đảm tốt an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh.
Phối hợp tuyên truyền pháp luật cho người dân bản Nà Tre xã Chiềng Ban (Mai Sơn - Sơn La). Ảnh QĐ
Trên cơ sở triển khai thực hiện Quyết định 1133 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2016”, ngay từ đầu năm 2014, UBND tỉnh Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 1133. Quán triệt sâu sắc những nội dung của Đề án, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật của Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo chặt chẽ các cơ quan như Sở Tư pháp, Sở Thông tin & Truyền thông, Báo Sơn La, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh; Hội Nông dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc… làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung và các quy định về khiếu nại, tố cáo nói riêng. Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng; nội dung giáo dục sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm, sát hợp với tình hình, điều kiện của địa phương từ đó đã có tác dụng tạo ra ở đại bộ phận người dân những chuyển biến đáng kể về nhận thức, ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Không chỉ có vậy, sự lan tỏa sâu rộng của công tác tuyên truyền, giáo dục còn có tác dụng quan trọng trong góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong thực hiện quy định về tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết những vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật.
Được sự hướng dẫn của cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Sơn La, chúng tôi tìm về huyện miền núi Mai Sơn, một trong những địa phương tiêu biểu trong thực hiện tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Tình cờ có mặt tại lớp tập huấn nội dung quy định về khiếu nại, tố cáo cho hơn 100 hòa giải viên cơ sở đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, chúng tôi hiểu thêm phần nào những khó khăn trong tuyên truyền pháp luật cho đồng bào vùng cao và càng trân trọng những kết quả Mai Sơn đã đạt được trong thực hiện Đề án “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2016”. Bên cạnh việc lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…, huyện Mai Sơn còn phối hợp cùng Hội Luật gia tỉnh Sơn La và Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh để tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý ở các bản khó khăn, bản vùng biên. Anh Lò Văn Pon ở bản Nà Tre xã Chiềng Ban cho biết: “Nhờ có cán bộ tuyên truyền nên người dân trong bản đã nắm được các quy định của pháp luật, biết cách kiến nghị, phản ánh đúng quy định. Trong bản giờ không còn tình trạng khiếu kiện vượt cấp nữa rồi”. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, huyện Mai Sơn đã tổ chức tuyên truyền pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 2 xã Chiềng Ban và Chiềng Mung với sự tham gia của hơn 200 lượt người; cấp phát hơn 200 bộ tài liệu gồm các văn bản luật; trợ giúp pháp lý cho 211 lượt với 362 người. Công tác tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, bảo đảm hợp lý hợp tình.
Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2014 đến nay, không chỉ có Mai Sơn mà ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La đều triển khai có hiệu quả việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trong đó, tiêu biểu là một số địa phương như thành phố Sơn La và các huyện như Quỳnh Nhai, Mộc Châu, Yên Châu, Phù Yên… Tính chung qua 2 năm thực hiện Đề án 1133, Sơn La đã tổ chức 1 lớp triển khai Luật Tiếp công dân với sự tham gia của 150 người là Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, giám đốc các sở, ngành, trưởng các tổ chức đoàn thể, cán bộ các cơ quan thanh tra trên địa bàn tỉnh. Đã có 220 lượt cán bộ các cấp được tập huấn nghiệp vụ về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo… Đặc biệt, từ đầu năm 2015 đến nay, các cơ quan có thẩm quyền ở Sơn La đã tiếp nhận 1.570 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh… Qua thụ lý, nghiên cứu, và giải quyết các đơn thư này đã giúp phát hiện sai phạm, truy thu cho ngân sách Nhà nước trên 5,6 tỷ đồng; trả lại cho công dân 71 m2 đất…
Có thể thấy, thông qua việc triển khai thực hiện Đề án 1133 “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2016”, nhận thức cũng như ý thức chấp hành pháp luật của đông đảo cán bộ, đảng viên và bà con các dân tộc ở Sơn La đã được cải thiện rõ rệt. Đề án đã trực tiếp giúp cho người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình liên quan đến các nội dung khiếu nại, tố cáo. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tỉnh Sơn La sẽ tập trung đổi mới nội dung, hình thức của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bám sát nhu cầu thực tiễn và đặc điểm từng đối tượng cụ thể. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền lưu động; các hình thức trợ giúp pháp lý gắn với phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở… qua đó nâng cao hiệu quả quán triệt và thực hiện các quy định về khiếu nại, tố cáo của đông đảo người dân trên địa bàn toàn tỉnh./.
Tạ Quang Đạo