Sóc Trăng: Nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào DTTS, vùng biên giới
(ĐCSVN) – Đợt tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về Biên phòng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; nâng cao cảnh giác trước những thông tin trái chiều lan truyền trên mạng xã hội; từ đó xây dựng khu vực biên giới, vùng biển ổn định về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội…
Từ ngày 22 - 25/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 1.000 cán bộ, công chức, nhân dân trên địa bàn 11 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới biển thuộc các huyện Trần Đề, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu.
Hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng ven biển Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu |
Tham gia hoạt động này, cán bộ, công chức, nhân dân được lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam; Nghị định 106/NĐ-CP/2021 ngày 6/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam; quy định cụ thể về hệ thống tổ chức của Bộ đội Biên phòng theo 3 cấp, chính sách ưu đãi, chế độ đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong phối hợp xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”…
Theo lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh, đợt tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về Biên phòng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; từ đó xây dựng khu vực biên giới, vùng biển ổn định về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, nhất là ở vùng kinh tế biển; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển của Tổ quốc...
Cũng trong nửa đầu tháng 11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022.
350 chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng tham dự hội nghị tập huấn. Ảnh: Nhật Bình |
Tại Hội nghị, 350 đại biểu gồm các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được phổ biến kiến thức về hai chuyên đề gồm: Chuyên đề 1: Quan điểm của Đảng và chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Chuyên đề 2 - Luật Bảo vệ môi trường (Luật số 72/2020/QH14 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022).
Trên cơ sở các nội dung được tiếp cận tại Hội nghị, các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và người có uy tín sẽ tuyên truyền, vận động bà con có đạo cảnh giác, chọn lọc thông tin, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội; thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ra sức học tập, thi đua lao động sản xuất… góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có gần 1,2 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 35%, dân tộc Khmer nhiều nhất với gần 31%. Đa số đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam tông, số lượng chùa Nam tông chiếm 92/130 cơ sở thờ tự. Tỉnh có 9 tôn giáo hoạt động được pháp luật công nhận với trên 600.000 tín đồ, trên 2.500 chức sắc, chức việc. Xuất phát từ thực tế có đông đồng bào dân tộc thiểu số và đa tôn giáo, Tỉnh ủy Sóc Trăng xác định công tác dân tộc, tôn giáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị.
Được biết, trong thời gian qua, các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phối hợp, tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Luật tín ngưỡng, tôn giáo; đóng góp thiết thực trong việc phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo. Những hành động cao đẹp, ý nghĩa đã góp phần lan tỏa những giá trị, nghĩa cử, thông điệp nhân văn, nhân ái; tiếp tục khẳng định tinh thần đại đoàn kết; góp phần cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế, xã hội của tỉnh, chăm lo, trợ giúp tốt hơn cho các hoàn cảnh khó khăn.../.