Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sóc Trăng: Hiệu quả từ công tác chuyển đổi số

Thứ Hai, 09/09/2024 20:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ của Đề án 06 và đạt được những kết quả bước đầu.

 Tổ công nghệ số cộng đồng tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Hoàn thành 31 nhiệm vụ

Báo cáo từ tỉnh Sóc Trăng cho biết: Đến tháng 8/2024, tỉnh có 75 nhiệm vụ được giao, trong đó đã hoàn thành 31 nhiệm vụ; đang thực hiện theo lộ trình 39 nhiệm vụ; chưa hoàn thành 5 nhiệm vụ. Tỉnh đã hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch, chuyển dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đạt 100%. Tỉnh đã hoàn thành việc hợp nhất Cổng Dịch vụ công và phần mềm một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tại địa chỉ: https://dichvucong.soctrang.gov.vn; hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử với kho dữ liệu cá nhân, tổ chức trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tính đến ngày 20/8/2024, nhóm chỉ số về công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính theo Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của tỉnh đạt 71,2/100 điểm.

Tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp Hệ thống định danh và xác thực điện tử (SSO) với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, đảm bảo người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06. Trong tháng 8, các đơn vị đã tiếp nhận 30.700 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến 28.441 hồ sơ, đạt 92,6% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận. Sóc Trăng là 1 trong 5 tỉnh đã hoàn thành nâng cấp, kết nối phần mềm dịch vụ công liên thông theo yêu cầu của Chính phủ, đảm bảo người dân có thể nộp hồ sơ liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và hồ sơ liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.

Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh cũng đánh giá, tính đến ngày 20/8/2024, tỉnh Sóc Trăng có 5 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của 25 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06 dù có chuyển biến nhưng có một số thủ tục có tỷ lệ trực tuyến còn thấp, điển hình là cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe do Sở Giao thông Vận tải chủ trì thực hiện chỉ đạt 0,3%; thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp thực hiện đạt 48,8%. Đồng thời, có 3 mô hình quá hạn thực hiện theo Kế hoạch số 217/KH-UBND, ngày 15/12/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện các mô hình của Đề án 06.

Tích cực từ cơ sở

Nhận thức rõ vai trò của đoàn viên, thanh niên tham gia chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong thực tiễn cuộc sống, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tích cực, chủ động, đi đầu trong việc tham gia vào quá trình xây dựng chính quyền số, xã hội số, đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Đoàn viên, thanh niên tích cực thực hiện chuyển đổi số. 

Song song với thực hiện công tác tuyên truyền trong đoàn viên thanh niên về vai trò của chuyển đổ qua các trang web, trang mạng xã hội của Tỉnh đoàn, kết hợp với các buổi tọa đàm, hội thảo…, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng mô hình và ra mắt được 7 công trình “Xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ” trên địa bàn tỉnh, góp phần cụ thể hóa Chương trình thực hiện chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Xác định chuyển đổi số cũng là công cụ đắc lực để nâng cao vị thế, phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển, năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Sóc Trăng đã triển khai và thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động của hội. Một trong những điểm nổi bật đó là Ban Thường vụ Tỉnh hội đã ban hành 20 văn bản triển khai hoạt động này và tổ chức Cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt hội”. Từ đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc của chị em phụ nữ đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện, trên địa bàn có 121 cơ quan chuyên trách hội LHPN và 775 chi hội phụ nữ, 4 đơn vị trực thuộc với 259.940 cán bộ, hội viên. Trong đó, tỷ lệ thu hút phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia vào tổ chức hội chiếm 59,41%. 100% hội viên đều có điện thoại cá nhân để thông tin, liên lạc và trên 95% có điện thoại thông minh kết nối internet. Tỷ lệ hội viên sử dụng mạng xã hội chiếm khoảng 70%. Đây là tiền đề thuận lợi để chị em phụ nữ tham gia thành công vào tiến trình chuyển đổi số./..

Bài, ảnh: Hà Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN