“Siêu dự án” thép 10,6 tỉ USD sẽ ra sao?
(ĐCSVN) – Nếu mọi việc hanh thông, Ninh Thuận sẽ có “siêu dự án” thép ven biển với tổng mức đầu tư 10,6 tỉ USD. Từ vụ Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, nhiều cảnh báo, sự quan ngại về an toàn môi trường với “siêu dự án thép”!
Mô hình toàn cảnh Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.(Ảnh: tienphong.vn)
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Tập đoàn Hoa Sen) đã lên kế hoạch đầu tư Dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận, với tổng vốn đầu tư lên tới 10,6 tỉ USD, công suất 16 triệu tấn/năm. “Siêu dự án” thép chưa được phê duyệt, nhưng những thông tin ban đầu được công khai với báo chí cũng đủ làm dư luận “giật mình”...
10,6 tỷ USD (tương đương 230.000 tỷ đồng) là số tiền quá lớn, kể cả với “siêu” doanh nghiệp FDI, huống gì là doanh nghiệp trong nước. “Siêu dự án” thép được thực hiện hoàn toàn bằng vốn tự có của Tập đoàn Hoa Sen hay lại phải vay vốn ngân hàng, vốn từ thị trường chứng khoán... ? Đầu tư vào thép không phải là lĩnh vực “siêu lợi nhuận”. Thị trường thép “nóng - lạnh” bất thường, nếu không dự báo tốt, nếu vốn tự có ít hơn vốn đi vay, “siêu dự án” sẽ gặp không ít khó khăn.
Người ta thường nói “buôn tài không bằng dài vốn”! Với “siêu dự án” này, vốn không chỉ chứng minh năng lực của chủ đầu tư mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai xây dựng, lựa chọn công nghệ, thiết bị hiện đại theo chuẩn quốc tế để đảm bảo an toàn môi trường, an toàn lao động và chất lượng công trình.
Để trấn an dư luận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ đã khẳng định với báo chí: “Bằng đạo đức của mình, nếu dự án của chúng tôi xảy ra tình trạng tương tự như của Formosa, tôi khẳng định và cam kết những cổ phần, tài sản đang có của tôi ở Tập đoàn Hoa Sen, tôi sẽ giao hết cho Nhà nước”!
Dù gì thì cũng ghi nhận những cam kết về bảo vệ môi trường của người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen, nhất là trong bối cảnh dư luận đang mất niềm tin vào không ít doanh nghiệp đầu tư dự án chỉ nghĩ đến lợi nhuận là tối thượng, còn an toàn môi trường phó mặc cho Nhà nước và người dân.
Sản xuất thép là lĩnh vực dễ gây ô nhiễm môi trường biển, khí thải, hiệu ứng nhà kính..., nên chỉ có cam kết của doanh nghiệp không thôi thì chưa đủ. “Siêu dự án” thép của Tập đoàn Hoa Sen có thể lớn hơn dự án thép ở Formosa Hà Tĩnh, nên rất cần Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan liên quan, trước khi phê duyệt và cấp phép cho “siêu dự án” hãy đưa ra cam kết sẽ đảm bảo tuyệt đối an toàn môi trường để nhân dân thực sự yên tâm. Cùng với đó, rất cần sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử (các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân).
Nếu có những cam kết từ cơ quan quản lý về môi trường và sự giám sát chặt chẽ, chắc chắn việc đánh giá tác động môi trường, việc lựa chọn công nghệ cho sản xuất thép, việc kiểm soát và giám sát môi trường đối với dự án sẽ không đơn giản như “quy trình” đã làm với Formosa Hà Tĩnh...
Ninh Thuận – một tỉnh còn nghèo, thường xuyên bị hạn hán, thì việc “trải thảm đỏ” kêu gọi đầu tư là chủ trương đúng, nhưng nếu chạy theo tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, không đặt vấn đề an toàn môi trường lên hàng đầu, thì cái giá phải trả sẽ rất đắt, không chỉ cho hôm nay.
Việc lãnh đạo thành phố Đà Nẵng từ chối dự án thép trị giá hàng tỉ USD mấy năm trước để bảo vệ môi trường và chuyện Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung mới đây, vẫn là bài học không bao giờ cũ.
Phát triển kinh tế nhưng phải bảo vệ môi trường, đó không chỉ là vấn đề pháp luật, mà là "mệnh lệnh" của cuộc sống, nhằm bảo đảm sự an toàn cho mỗi người dân./.