Siết chặt kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại
(ĐCSVN) - Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, trong đó có Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời các vi phạm, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) |
Thời gian qua, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tuyến biên giới đường bộ và vùng biển trọng điểm.
Tại khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia, hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ có dấu hiệu gia tăng, tập trung tại các địa bàn như Quảng Trị, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang. Khu vực vùng biển Đông Bắc, đặc biệt tại Quảng Ninh, vẫn xảy ra tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép dầu diesel không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các sản phẩm gia cầm.
Ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào, các mặt hàng như vàng, pháo nổ, đường kính trắng vẫn bị vận chuyển trái phép qua các địa bàn Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam. Đáng chú ý, tình trạng vận chuyển hàng hóa không hóa đơn, chứng từ hợp pháp cũng gia tăng, đặc biệt với các mặt hàng thực phẩm, thuốc lá điếu, lá thuốc lá tại các tỉnh Cao Bằng, Bình Phước, Long An, Đồng Tháp.
Hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Các băng nhóm tội phạm ma túy xuyên quốc gia đã lợi dụng chủ trương ưu đãi đầu tư, thương mại để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài qua Việt Nam đến nước thứ ba. Đặc biệt, các tuyến hàng không ghi nhận sự gia tăng số vụ vận chuyển ma túy, biến Việt Nam thành một điểm trung chuyển ma túy mới.
Một vấn đề nổi cộm khác là tình trạng gian lận thương mại qua các nền tảng thương mại điện tử. Các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và trốn thuế. Hoạt động này không chỉ gây thất thoát nguồn thu ngân sách mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và môi trường kinh doanh lành mạnh.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đấu tranh quyết liệt với các vi phạm. Các biện pháp tập trung vào một số mặt hàng trọng điểm như ma túy, thuốc lá điện tử, vàng, xăng dầu và các sản phẩm điện tử.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Thường trực 389 Quốc gia thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa phương. Đặc biệt, Ban đã yêu cầu xây dựng kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đảm bảo thị trường ổn định, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, các lực lượng chức năng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ ngày 15/6/2024 đến ngày 14/9/2024, ngành Hải quan đã chủ trì và phối hợp bắt giữ 4.748 vụ vi phạm pháp luật hải quan với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 7.584 tỷ đồng, tăng 222,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cơ quan Hải quan đã khởi tố 10 vụ, tăng 25%, và kiến nghị cơ quan khác khởi tố 39 vụ, tăng 50%. Số tiền thu nộp ngân sách từ các vi phạm này đạt 114 tỷ đồng, tăng 101,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong công tác phòng, chống ma túy, ngành Hải quan đã phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện 62 vụ/80 đối tượng, thu giữ 331,59 kg ma túy các loại, bao gồm heroin, cần sa, ketamine và ma túy tổng hợp.
Về công tác kiểm tra thuế, ngành Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 20.311 doanh nghiệp và rà soát 121.336 hồ sơ khai thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 22.885 tỷ đồng, trong đó số thuế tăng thu đạt 4.686 tỷ đồng và số thuế đã nộp ngân sách là 3.839 tỷ đồng.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn gặp không ít khó khăn.
Theo đó, phải kể đến những vướng mắc pháp lý. Các quy định pháp luật liên quan đến xử lý tài sản tịch thu, đặc biệt là gỗ, xăng dầu, chưa phù hợp với thực tiễn và các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Bên cạnh đó, sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan như Hải quan, Biên phòng, Công an tại khu vực cửa khẩu cũng gây khó khăn trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, việc bảo quản tang vật, vật chứng trong các vụ án hình sự vẫn gặp khó khăn do chưa có cơ chế xử lý đồng bộ.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành, cải thiện công tác quản lý tại các tuyến biên giới, cảng biển, và thương mại điện tử. Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể, đảm bảo phù hợp với tình hình mới và xử lý dứt điểm các bất cập pháp lý hiện hành.
Trong bối cảnh buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng phức tạp, sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính và các lực lượng chức năng là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế, quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh.