Sẽ không dừng xe để xử phạt lỗi không làm thủ tục sang tên, đổi chủ
(ĐCSVN) - Kể từ ngày 1/1/2017, lực lượng CSGT sẽ tiến hành xử phạt đối với các trường hợp mua bán, trao tặng xe mô tô 2 bánh, 3 bánh và các loại xe tương tự không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Được biết, đây là quy định để nhằm đảm bảo tài sản của chủ xe, cũng như phục vụ công tác quản lý giao thông tốt hơn.
Lực lượng CSGT chỉ dừng xe khi phát hiện người điều khiển phương tiện vi phạm luật lệ
giao thông và một số trường hợp khác để kiểm tra theo quy định.
Người thuê, mượn xe không bị xử phạt
Theo thông báo của Cục CSGT, từ ngày 1/1/2017, người điều khiển xe máy không làm thủ tục sang tên, đổi chủ sẽ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức. Quy định này được áp dụng cho cả những trường hợp được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản. Liên quan đến vấn đề này, dư luận đặt ra câu hỏi, vậy chồng đi xe của vợ, con đi xe của bố, của bạn, của cô, dì, chú, bác… hoặc ngược lại, các lực lượng chức năng sẽ xử lý như thế nào? Phải chăng, cứ lúc nào điều khiển xe không đứng tên mình ra đường người dân cũng phải mang theo giấy đăng ký kết hôn, hộ khẩu, xác nhận của chính quyền địa phương về quan hệ họ hàng với chủ xe?
Đề cập đến vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, việc xử lý đối với chủ phương tiện về hành vi vi phạm “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe ô tô” chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên hoặc thông qua công tác đăng ký xe.
Theo đó, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chủ xe mô tô, xe máy được hiểu là chủ sở hữu của phương tiện. Tại điều 158, Bộ Luật dân sự năm 2015 có hiệu lực từ 1/1/2017 có quy định: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”. Trong đó, quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản; Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản: Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó. Bên cạnh đó, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 30, Nghị định 46 chỉ quy định về việc xử phạt đối với chủ phương tiện (tức chủ sở hữu). Như vậy, đối với người điều khiển phương tiện không có đủ 3 quyền trên, tức không phải là chủ sở hữu phương tiện và không thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng xử lý của các điều khoản trên. Điều này đồng nghĩa với việc, người điều khiển phương tiện đi thuê, đi mượn phương tiện để tham gia giao thông cũng không bị xem xét, xử lý về hành vi trên.
Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp gian dối
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vẫn còn rất nhiều trường hợp chưa hiểu, hoặc cố tình không hiểu và đưa ra những ý kiến trái chiều gây nhiễu thông tin, tạo ra những dư luận xấu về quy định này.
Như cách lý giải của Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, cũng như đại diện Cục CSGT thì lực lượng CSGT sẽ không dừng xe để chỉ kiểm tra lỗi không đăng ký chính chủ, hành vi này chỉ được xử lý khi người điều khiển phương tiện gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Tuy nhiên, một vấn đề khác đang được đặt ra là, làm thế nào để các lực lượng chức năng xác định được chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định hay xe đi mượn, đi thuê?
Liên quan đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, khi điều tra, giải quyết vụ TNGT gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên hoặc thông qua công tác đăng ký xe, để xác minh xem người chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định hay xe đi mượn, đi thuê, lực lượng CSGT sẽ thực hiện các biện pháp để xác định như: Lấy lời khai của người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện đến làm thủ tục đăng ký xe; Thông qua dữ liệu quản lý nghiệp vụ cơ sở dữ liệu về đăng ký xe của lực lượng CSGT; Mời người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe lên để làm việc, xác minh, kiểm tra trực tiếp thông tin, nội dung liên quan; Kiểm tra các loại chứng từ, tài liệu, hợp đồng mua bán… Cùng với đó, lực lượng CSGT sẽ thông qua lực lượng Công an tại địa phương, nơi người điều khiển phương tiện, người đến làm thủ tục đăng ký xe sinh sống để kiểm tra, xác minh về mối quan hệ gia đình, thân nhân của họ.
“Đối với từng vụ việc cụ thể, lực lượng CSGT sẽ áp dụng, thực hiện nhiều biện pháp khác nhau theo quy định của ngành và pháp luật để xác minh, làm rõ. Đối với các trường hợp có hành vi gian dối về việc mượn phương tiện nhưng thực chất là xe của mình nhưng chưa làm thủ tục sang tên sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm theo quy định” – Ông Hùng nhấn mạnh.
Sang tên đổi chủ để bảo vệ quyền lợi của mình
Theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, xe máy là tài sản có giá trị đối với mỗi người, được pháp luật cho phép chủ xác lập quyền sở hữu đối với phương tiện. Thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Công an cũng đã có nhiều chủ trương, Thông tư “mở” để tạo điều kiện giải quyết đăng ký sang tên xe đối với các trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người. Theo đó, việc đăng ký sang tên đổi chủ, là việc làm cần thiết để đảm bảo, xác nhận tài sản hợp pháp của chủ phương tiện trước pháp luật, tránh được những tranh chấp không đáng có, cũng như giúp các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, điều tra, giải quyết các vụ việc liên quan đến xe máy.
Cụ thể, đối với các vụ TNGT mà nạn nhân tử vong, bất tỉnh, nếu phương tiện là chính chủ, cơ quan chức năng có thể nhanh chóng tìm ra tung tích nạn nhân, kể cả trong trường hợp chủ phương tiện cho mượn hay cho thuê xe. Đối với các vụ án trộm cắp, cướp giật, lừa đảo… thông qua biển kiểm soát, đặc điểm phương tiện, lực lượng công an sẽ có căn cứ để xác minh, điều tra, xác định đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Thiếu tá Hùng cho biết, hiện nay thông qua quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng nói chung và CSGT nói riêng đã phát hiện nhiều phương tiện là vật chứng của các vụ án. Tuy nhiên, do chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên phương tiện nên quá trình điều tra bị hạn chế thông tin, tài liệu, gặp rất nhiều khó khăn để xác minh chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện. Điều này dẫn đến nhiều phương tiện, quá thời gian tạm giữ theo quy định, buộc các lực lượng chức năng phải tiến hành thanh lý, sung công quỹ Nhà nước.
“Như vậy, việc đăng ký sang tên theo nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi học tập, công tác của chủ phương tiện sẽ giúp các lực lượng chức năng xác định được số lượng phương tiện tương đối chính xác được đăng ký trên các địa bàn cụ thể, qua đó có biện pháp quản lý, điều tiết, tổ chức giao thông hợp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.” – Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết./.