Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sẽ giám sát tới cùng việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội

Thứ Ba, 15/11/2022 19:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Các đại biểu Quốc hội bày tỏ tin tưởng các quyết định, quyết sách của Quốc hội, nhất là các giải pháp trong thời gian tới sẽ phát huy được hiệu quả trong thời gian tới, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân.

Chiều 15/11, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, sau 21 ngày làm việc, Quốc hội đã bế mạc hoàn thành tốt toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 4, khóa XV đề ra.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra chất lượng, hiệu quả, thổi tinh thần đổi mới vào cả 3 chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Kỳ họp thứ 4 đã thành công tốt đẹp, phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyên vọng của cử tri quan tâm. Những giải pháp của Chính phủ, các “Tư lệnh” ngành đưa ra từng bước giải quyết được những vấn đề “nóng” của xã hội, niềm tin của cử tri và Nhân dân ngày càng được tăng cường.

Mang “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường 

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bình Dương) nhận định, tại kỳ họp, Quốc hội đã bàn bạc dân chủ, thảo luận sôi nổi, tích cực và xem xét quyết định thông qua 6 luật, 14 Nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và cho ý kiến lần đầu về 07 dự án Luật. Tất cả các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, các vấn đề được bàn bạc, thảo luận đều mang “hơi thở cuộc sống”, phản ánh đầy đủ các lĩnh vực, góc nhìn của thực tiễn.

Đặc biệt, Quốc hội đã thảo luận kết quả giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật  về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" và ban hành Nghị quyết về nội dung này. Theo đại biểu, việc lựa chọn nội dung, tổ chức giám sát  tối cao được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, nhìn thẳng, nhìn thật các vấn đề bức xúc của xã hội mà nhân dân và cử tri rất  quan tâm; qua đó, Quốc hội đã chỉ rõ những lĩnh vực, công trình, dự án còn lãng phí, chưa được hiệu quả, từ đó đề ra giải pháp thực hiện cả trước mắt lẫn lâu dài  và trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong tổ chức thực hiện, nhằm sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bình Dương) phát biểu tại Hội trường Quốc hội. Ảnh: QH. 

Song song đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng sát  thực tiễn, tập trung giải quyết những vấn đề “nóng”, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Qua chất vấn, Quốc hội đã làm sáng rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các bộ, ngành và Chính phủ trong quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực, và trách nhiệm trong bổ sung, hoàn thiện thể chế chính sách cũng như tham mưu trình Quốc hội ban hành các quyết sách mang tính chiến lược, cấp bách cho sự phát triển của đất nước.

Là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XV và đã 3 nhiệm kỳ liên tục là đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho hay,  trong mỗi kỳ họp Quốc hội, hoạt động nghị trường đều được các ĐBQH sôi nổi thảo luận, mang “hơi thở cuộc sống” đến với Quốc hội. Đặc biệt tại Kỳ họp thể hiện rất rõ điểm đó. Những phản ánh, kiến nghị của cử tri; những vấn đề “nóng” đều được các ĐBQH đưa vào phiên thảo luận tổ, thảo luận ở Hội trường hay phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2,5 ngày. 

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết cụ thể về những việc phải làm và thời hạn hoàn thành để tạo chuyển biến thực sự đối với từng lĩnh vực được chất vấn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân cả nước. Đây cũng là cơ sở để Quốc hội giám sát lại và lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: TH.

Đại biểu cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị tài liệu của Quốc hội. Theo đó, các đại biểu đã được nhận những bản báo cáo từ rất sớm, có bảng biểu để so sánh, đặc biệt các nội dung giải trình, thuyết minh, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là điều kiện rất quan trọng để giúp các đại biểu nghiên cứu kỹ trước khi thảo luận và bấm nút thông qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) đánh giá ấn tượng với không khí chất vấn tại hội trường rất sôi nổi, thẳng thắn, trí tuệ và văn minh. Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội cũng rất tích cực dùng quyền tranh luận để tranh luận lại với các Bộ trưởng về những phần trả lời còn chưa thoả đáng, đầy đủ. Bên cạnh đó, theo đại biểu, người chủ trì cũng làm rất tốt vai trò của mình trong điều hành các phiên họp và chất vấn.

Một điều đáng ghi nhận nữa trong kỳ họp này, theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu là công tác truyền thông. Theo đó, các cơ quan truyền thông đã đưa tin hết sức kịp thời, đưa những nội dung trọng tâm, trọng điểm, phục vụ cho đời sống dân sinh và cho cử tri cả nước, cũng chính là cho sự bền vững của đất nước.

Đảm bảo tính khả thi, hiệu quả để Nghị quyết, Luật đi vào cuộc sống

Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định), Kỳ họp thứ 4 có nhiều đổi mới, đặc biệt trong công tác lập pháp. Dù khối lượng công việc nặng nề, Quốc hội đã rút ngắn thời gian xuống còn 21 ngày cho thấy sự vào cuộc chủ động, tích cực cũng như mong muốn một kỳ họp ngắn nhất nhưng chất lượng, hiệu quả.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định). Ảnh: TH.

Theo đại biểu, cốt lõi vấn đề Quốc hội xem xét thông qua các đạo luật là chất lượng các Luật để các đạo luật đó đảm bảo yêu cầu, đặc biệt là tính khả thi, hiệu quả để đi vào cuộc sống nên cần thảo luận rất kỹ lưỡng các cơ sở lý thuyết, thực tiễn, nội dung biện pháp tổ chức hiệu quả trên thực tế. Do đó, chúng ta không thể vì ban hành một chính sách nhanh mà bỏ qua về mặt nội dung như đã Quốc hội đã quyết định rút Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) ra khỏi chương trình hay Luật đất đai (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến kỹ lưỡng tại 3 kỳ họp là chuẩn xác để lấy thêm ý kiến góp ý của chuyên gia, người dân và các đối tượng chịu tác động để luật sau khi có hiệu lực đi vào sống và tổ chức thực hiện tốt hơn.  

 “Tôi tin rằng các quyết định, quyết sách của Quốc hội, nhất là các giải pháp trong thời gian tới sẽ phát huy được hiệu quả trong thời gian tới, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, nâng cao đời sống của cử tri nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) nhấn mạnh tinh thần đổi mới được Quốc hội “thổi” vào nhiệm kỳ này là rất rõ nét, với tinh thần như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo là có sự chuẩn bị “ từ sớm, từ xa”, những vấn đề quan trọng, cần thiết của đời sống xã hội cần được xác lập trước đưa vào kế hoạch thực hiện. Các vấn đề phải được xử lý cặn kẽ, thấu đáo,

 Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên). Ảnh: TH.

Do đó, các đạo Luật quan trọng cần được chuẩn bị rất kỹ để đảm bảo chất lượng thì nội dung quy định của Luật mới sát thực tiễn và quan trọng nhất là pháp luật, chính sách phải đi vào cuộc sống ngay.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, các Nghị quyết, luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 đều nhận được sự đồng tình, thống nhất cao của đa số đại biểu Quốc hội, đảm bảo chất lượng trong công tác xây dựng luật.

Ngoài phát huy trách nhiệm của đại biểu dân cử, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho hay, các đại biểu Quốc hội cũng sẽ tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết, luật đã được Quốc hội ban hành và triển khai trong thực tế.

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn TP. Hà Nội) nhấn mạnh, nếu chỉ dừng lại ở chất vấn mà không tiến hành giám sát tại kỳ họp tiếp theo để đánh giá lại, thì hoạt động chất vấn sẽ không thực sự hiệu quả. Vì vậy, đại biểu cho rằng, tất cả nội dung được đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ dành thời gian thích hợp tại Kỳ họp thứ 5 để xem xét lại các nội dung chất vấn để thấy được vấn đề nào đã được giải quyết, vấn đề nào chưa được xử lý để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN