Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương và địa phương
(ĐCSVN) - Đó là chủ đề Hội thảo khoa học do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Viện Khoa học Tổ chức, Cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) tổ chức ngày 13/11/2021 tại Hà Nội.
Với sự tham gia của một số nhà nghiên cứu về báo chí, đại diện cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí, Hội thảo đã đánh giá những kết quả đã đạt được, những vấn đề đặt ra và đưa ra giải pháp khuyến nghị đối với các cơ quan báo, tạp chí của Đảng cũng như các cơ quan quản lý báo chí trong quá trình thực hiện Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hội thảo do PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông và TS. Trần Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, đảng viên (Ban Tổ chức Trung ương) chủ trì. |
Theo Quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020, mỗi ban Đảng Trung ương có không quá 01 tạp chí in; khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang tạp chí điện tử. Sau năm 2020, trên cơ sở lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban Đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành. Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan báo chí.
Thông tin tại Hội thảo cho biết: Đến nay, việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đã cơ bản được hoàn thành đối với các cơ quan báo chí tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương (chỉ còn Báo Tuổi trẻ vẫn đang trực thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) và 72 cơ quan báo nói, báo hình. Tổng số cơ quan báo chí được giảm là 71, khiến bộ máy tinh gọn hơn. Hàng chục cơ quan báo chí đã chuyển loại hình hoạt động từ báo sang tạp chí chuyên sâu, chuyên ngành, hoạt động đúng với tôn chỉ mục đích, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người đọc.
Tuy nhiên, việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương và địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đối với hệ thống các cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến dưới góc nhìn khoa học về vấn đề tổ chức bộ máy, tài chính - trị sự, kỹ thuật công nghệ và nội dung chuyên môn trong quá trình hợp nhất tạp chí các ban Đảng trung ương với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện. Đối với các cơ quan báo Đảng địa phương, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, mô hình Đài phát thanh-truyền hình và Báo Bình Phước vì mô hình này chưa có tiền lệ, nhằm thống nhất về tên gọi, cơ quan chủ quản, cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy, hoạt động tài chính,… để xây dựng các dữ kiện cần thiết cho việc sắp xếp các mô hình tương tự trong tương lai.
Các đại biểu dự Hội thảo. |
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về quá trình sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí có sự khác nhau về mô hình tổ chức, cơ chế tài chính, cũng như các vấn đề về thương hiệu của tên gọi, tên miền của loại hình báo mạng điện tử, tên miền độc lập của chuyên trang, để tìm các phương án nhằm duy trì, khai thác, phục vụ xây dựng thương hiệu mới.
Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo sẽ được Ban Chủ nhiệm đề tài chắt lọc, tiếp tục đầu tư nghiên cứu để hoàn thiện báo cáo tư vấn chính sách đối với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, qua đó góp phần thực hiện tốt Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025./.