Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của 12 tỉnh, thành phố
(ĐCSVN) - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố.
Sáng 14/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, thành phố Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình tại phiên họp |
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, phương án sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố như sau:
Tỉnh An Giang: Sắp xếp 02ĐVHC cấp xã để hình thành 01 phường mới. Sau sắp xếp giảm 01 ĐVHC cấp xã.
Tỉnh Đồng Tháp: Sắp xếp 04 ĐVHC cấp xã để hình thành 02 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 02 ĐVHC cấp xã.
Tỉnh Hà Nam: Thành lập 01 thị xã trên cơ sở nguyên trạng 01 huyện (thị xã Kim Bảng) và sắp xếp 29 ĐVHC cấp xã để hình thành 18 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp, giữ nguyên số lượng ĐVHC cấp huyện, giảm 11 ĐVHC cấp xã.
Thành phố Hà Nội: Sắp xếp 109 ĐVHC cấp xã để hình thành 56 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 53 ĐVHC cấp xã.
Tỉnh Hà Tĩnh: Sắp xếp 04 ĐVHC cấp huyện và 23 ĐVHC cấp xã để hình thành 03 ĐVHC cấp huyện và 16 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 01 ĐVHC cấp huyện và 07 ĐVHC cấp xã.
Thành phố Hồ Chí Minh: Sắp xếp 80 phường để hình thành 41 phường mới. Sau sắp xếp giảm 39 phường.
Tỉnh Phú Thọ: Sắp xếp 31 ĐVHC cấp xã để hình thành 13 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 18 ĐVHC cấp xã.
Tỉnh Quảng Ngãi: Sắp xếp 09 ĐVHC cấp xã để hình thành 06 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 03 ĐVHC cấp xã.
Tỉnh Quảng Trị: Sắp xếp 13 ĐVHC cấp xã để hình thành 07 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 06 ĐVHC cấp xã.
Tỉnh Sơn La: Thành lập 01 thị xã trên cơ sở nguyên trạng huyện (thị xã Mộc Châu) và sắp xếp 30 ĐVHC cấp xã để hình thành 26 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giữ nguyên số lượng ĐVHC cấp huyện và giảm 04 ĐVHC cấp xã.
Tỉnh Trà Vinh: Sắp xếp 03 phường để hình thành 01 phường mới. Sau sắp xếp giảm 02 phường.
Tỉnh Vĩnh Phúc: Sắp xếp 28 ĐVHC cấp xã để hình thành 13 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 15 ĐVHC cấp xã.
"Như vậy, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp, thành lập đối với 06 ĐVHC cấp huyện và 361 ĐVHC cấp xã để hình thành 05 ĐVHC cấp huyện và 200 ĐVHC cấp xã mới của 12 tỉnh, thành phố. Sau sắp xếp, giảm 01 ĐVHC cấp huyện và 161 ĐVHC cấp xã" - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, có 05 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị) đề nghị không thực hiện sắp xếp 08 ĐVHC cấp huyện; có 10 tỉnh, thành phố (Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ chí Minh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc) đề nghị không thực hiện sắp xếp 258 ĐVHC cấp xã.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua các dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố |
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ thống nhất đối với phương án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố.
Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Bộ Nội vụ và các tỉnh, thành phố đã chuẩn bị chất lượng, công phu, kỹ lưỡng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các tỉnh, thành phố nghiêm túc rút kinh nghiệm việc chậm trình đề án để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; đồng thời cần bắt tay vào thực hiện ngay các phương án sắp xếp sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sắp xếp cơ bản phải phù hợp với quy hoạch liên quan, bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn loại hành chính tương ứng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát lần nữa các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cần thống nhất nhận thức, tư tưởng trong cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; tuyên truyền mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân; ổn định các hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn, không để xảy ra xáo trộn lớn đối với cán bộ dôi dư; không để lãng phí trụ sở cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đơn vị hành chính…
Tại phiên họp, với 100% thành viên có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 12 dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố; các Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, riêng đối với Nghị quyết của tỉnh Sơn La có hiệu lực từ ngày 01/02/2025./.