Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sáng tạo trong quản lý F0 điều trị tại nhà

Thứ Hai, 14/03/2022 16:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những ngày qua, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động ứng dụng sáng tạo các giải pháp khoa học công nghệ vào quản lý, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, qua đó, từng bước góp phần quan trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Nhân rộng sáng kiến công nghệ

Số ca mắc COVID-19 tăng cao đã gây áp lực không nhỏ cho hệ thống y tế. Nhằm hạn chế tình trạng quá tải, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, nhiều cách làm sáng tạo đã được triển khai và cho thấy những ý nghĩa thiết thực. Không còn tình trạng người dân tập trung đông đúc tại các cơ sở y tế, thủ tục nhanh gọn, chính xác… là thành quả thu được từ việc ứng dụng công nghệ trong quản lý F0 điều trị tại nhà. Mô hình này trở thành công cụ trợ giúp đắc lực cho hệ thống y tế cơ sở, giúp người bệnh yên tâm điều trị tại nhà.

Giao diện phần mềm quản lý F0 điều trị tại nhà của UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình). 

Điển hình, UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã ứng dụng đồng bộ phần mềm công nghệ trong quản lý F0 tại nhà. Theo đó, thay vì phải đến trực tiếp trạm y tế phường, trường hợp người dân xác định dương tính COVID-19, hay có nhu cầu kết nối để được hướng dẫn cách điều trị… sẽ tiến hành khai báo thông qua hệ thống Google Form (công cụ tạo và quản lý biểu mẫu khảo sát nhằm thu thập dữ liệu). Biểu mẫu này rất dễ sử dụng vì được chia sẻ dưới dạng liên kết hoặc email. Sau đó, trạm y tế cơ sở sẽ tiếp nhận thông tin, tư vấn và giải đáp cụ thể những vướng mắc cho người bệnh.

Ông Nguyễn Thục Lương, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, những ngày này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường đã triển khai đến các Chi bộ, Tổ dân phố, Tổ COVID cộng đồng tuyên truyền sâu rộng để người dân biết và thực hiện khai báo y tế thông qua phần mềm công nghệ. Như vậy, người dân không cần đến trạm y tế hoặc gọi điện đến đường dây nóng gây quá tải mà cơ sở vẫn tiếp nhận được thông tin và hỗ trợ kịp thời. 

“Số ca mắc COVID-19 tăng đột biến dẫn đến việc kết nối giữa người bệnh với trạm y tế phường gặp rất nhiều khó khăn. Và việc ứng dụng công nghệ đã bước đầu giải quyết được vấn đề này, góp phần giảm cường độ công việc, giải tỏa áp lực cho nhân viên y tế phường, từ đó giúp tăng hiệu quả công tác phòng dịch, kịp thời hướng dẫn điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ tại nhà”, ông Nguyễn Thục Lương chia sẻ.

Tương tự, với mục tiêu tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo F0, F1 đều được tư vấn chính xác, đầy đủ, một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái… cũng đã sử dụng sáng tạo hệ thống kết nối thông tin chăm sóc sức khỏe trực tuyến tại nhà, bước đầu cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Toàn tỉnh Quảng Ninh có 97% F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng đang điều trị tại nhà theo mô hình tháp phân tầng. Từ đầu tháng 3, tỉnh Quảng Ninh đã đưa vào thí điểm phần mềm quản lý, tư vấn sức khỏe F0 tại nhà bằng Sổ sức khỏe điện tử. Người dân chỉ cần cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh. Sau khi khai báo, cán bộ y tế sẽ theo dõi, tư vấn chăm sóc sức khỏe trực tuyến cho người bệnh.

Góp phần chuyển đổi “y tế số”

Thực tế cho thấy, trường hợp F0, F1 tăng nhanh trong thời gian ngắn gây ra áp lực lớn lên hệ thống y tế các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Cùng với nhiệm vụ tập trung rà soát đối tượng có nguy cơ, đảm bảo tiến độ tiêm chủng vaccine, thì các thủ tục hành chính liên quan như: cấp giấy xác nhận F0, công nhận khỏi bệnh của người dân cũng đang trở thành gánh nặng cho lực lượng tuyến đầu.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Chu Ngọc Anh đã nêu rõ giải pháp là sử dụng phần mềm quản lý người nhiễm COVID-19 hiệu quả nhất. Theo đó, các địa phương đã tăng cường nghiên cứu, hướng dẫn các cơ sở y tế áp dụng công nghệ vào rút ngắn quy trình thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân, tránh tình trạng tập trung đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

 Cán bộ y tế truy cập vào phần mềm quản lý sẽ nhanh chóng nắm được tình hình sức khỏe của từng người bệnh. (Ảnh: TB).

Việc ứng dụng mạng xã hội, phần mềm quản lý, điều trị F0 tại nhà giúp giảm tải cho các bệnh viện, cơ sở thu dung, hạn chế tiếp xúc đông người. Mặt khác, theo các chuyên gia, với người nhiễm COVID-19 có triệu chứng lâm sàng nhẹ, thì việc điều trị tại nhà theo đúng hướng dẫn sẽ đảm bảo an toàn, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo hơn khi đến các bệnh viên. Tuy nhiên, để công nghệ phần mềm, mạng xã hội phát huy hiệu quả thiết thực, hơn bao giờ hết, mọi người dân cần chủ động nâng cao nhận thức, khai báo y tế trung thực, không chủ quan, lơ là với tâm lý “ai rồi cũng thành F0”.

Sự bùng phát của COVID-19 đã đưa đến cho chúng ta một góc nhìn cận cảnh về tầm quan trọng, cấp thiết của việc đẩy mạnh hơn nữa chuyển đối số, để tất cả số liệu, thông tin người bệnh được chuyển giao qua hệ thống điện tử nhanh chóng, tiện lợi và bảo mật cao. Và việc sử dụng công nghệ trong quản lý, điều trị F0 tại nhà là một sáng kiến nổi bật, thúc đẩy phát triển mô hình hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, kết nối vạn vật trong lĩnh vực y tế.

Có thể thấy, dịch COVID-19 vẫn đang được kiểm soát tốt là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tinh thần đồng lòng quyết tâm của nhân dân. Và với xu thế thời đại 4.0 hiện nay, ứng dụng công nghệ phần mềm trong quản lý, điều trị F0 tại nhà không chỉ giúp kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, giảm cường độ làm việc, áp lực cho tuyến đầu, mà còn từng bước góp phần quan trọng vào xây dựng nền tảng “y tế số”, giải bài toán chăm sóc sức khỏe cho con người ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hoá trong tương lai./.

Ngọc Mai

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN