Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sản xuất viên nang uống từ phế phẩm bưởi non hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu và giảm béo phì

Thứ Sáu, 08/09/2023 19:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhóm nhà khoa học công tác Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (SAPHARCEN) đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu sản xuất viên nang giàu flavonoid hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu và giảm béo phì từ nguồn bưởi non dư phẩm” nhằm góp phần tận dụng nguồn nguyên liệu bưởi non phế phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cho nhà nông, góp phần phát triển một sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Viên nang Pompose giàu flavonoid từ bưởi non 
Viên nang giàu flavonoid từ bưởi non vừa giải quyết bài toán phế phẩm bưởi non để tăng thu nhập về kinh tế cho nhà vườn, vừa tạo ra một sản phẩm thực sự có giá trị, hỗ trợ giải quyết một số vấn đề sức khỏe mà xã hội đang quan tâm như thừa cân, béo phì, béo bụng và cả rối loạn mỡ máu, mỡ gan.

Thực tế cho thấy, bưởi là loại cây ăn quả được trồng phổ biến ở nhiều địa phương của nước ta. Để vườn bưởi đạt hiệu quả cao, trong quá trình chăm sóc, nhà vườn thường phải loại bỏ bớt khoảng 1/3 số trái bưởi non. Bưởi non bị thải loại thường bị vứt bỏ ngay trong vườn hoặc ném dưới kênh rạch, có thể khiến đất bị chua, và ngoài ra thì bưởi non khi bị phân hủy lại tăng mầm bệnh hại cây và gây ô nhiễm trực tiếp lên môi trường sống xung quanh khu vực trồng trọt, canh tác.

Trong khi đó, theo Đông y và các bài thuốc dân gian, vỏ bưởi cũng như cùi bưởi chứa rất nhiều thành phần như flavonoid, tinh dầu và pectin có lợi cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị thừa cân béo phì, gan nhiễm mỡ, chống oxy hóa. Bưởi non lại có tỷ lệ cùi bưởi lớn nên hàm lượng hoạt chất cao, cần được tận dụng.

Trên tinh thần đó, nhóm nhà khoa học công tác Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (SAPHARCEN) đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu sản xuất viên nang giàu flavonoid hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu và giảm béo phì từ nguồn bưởi non dư phẩm” nhằm góp phần tận dụng nguồn nguyên liệu bưởi non phế phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cho nhà nông, góp phần phát triển một sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được Sở KHCN TP.HCM tổ chức, GS.TS Lê Minh Trí là chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết: các nhà khoa học SAPHARCEN thực hiện đã tiến hành phân lập và tinh chế naringin (là một flavonoid tan tốt trong nước nóng nhưng hầu như không tan trong nước lạnh, làm cho nước bưởi có vị đắng) từ bột bưởi non dựa trên độ tan, bằng cách hòa tan naringin thô trong nước nóng và kết tinh lại ở nhiệt độ lạnh, tạo thành cao bưởi non giàu flavonoid. Cao có thể chất lỏng sánh, màu nâu đồng nhất, có vị đắng và có mùi đặc trưng, không phát hiện kim loại nặng (Pb, Cd, Hg), không phát hiện dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. Cao bưởi non giàu flavonoid sau đó được chia theo từng lọ với khối lượng 1,2 g/lọ, tương đương với 50mg naringin. Trong đó, 1mg cao bưởi non chứa 0,19mg naringin.

Cao bưởi non giàu flavonoid thành hình sau khi phân lập và tinh chế naringin 

Trong quá trình tinh chế, nhóm thực hiện sử dụng thêm một ít cồn trước khi kết tinh nhằm thúc đẩy sự hình thành mạng lưới tinh thể. Ngoài ra, việc rửa với cồn lạnh sau khi lọc tủa kết tinh sẽ tránh thất thoát một lượng naringin đáng kể, đồng thời loại đi những tạp chất bám trên bề mặt tinh thể naringin. Lặp lại giai đoạn tinh chế càng nhiều lần, naringin thu được càng có độ tinh sạch cao, nhưng lượng naringin mất đi cũng càng nhiều, sẽ dẫn đến hiệu suất giảm tương ứng.

Còn trong quy trình chiết xuất flavonoid ở quy mô pilot (20 kg/lô) và quy mô công nghiệp (100 kg/lô), dung môi chiết xuất ethanol được lựa chọn để hòa tan naringin, đồng thời hạn chế bớt sự hòa tan của pectin và tạp màu nên thu được sản phẩm đồng nhất, có hiệu suất và hàm lượng naringin cao (hiệu suất phân lập naringin đạt 4,3% và độ tinh khiết đạt đến 99,6%). 

Nhóm thực hiện tiến hành thử nghiệm tác dụng bảo vệ gan của cao bưởi non được tiến hành trên mô hình gây tổn thương gan chuột bằng CCl4. Sau khi tiêm CCl4 liều 1 ml/kg, nồng độ ALT, AST tăng cao ở thời điểm sớm nhưng giảm dần trở về mức bình thường, điều này phù hợp do ALT, AST được dùng để đánh giá viêm gan ở giai đoạn sớm. Cao bưởi non bắt đầu thể hiện hoạt tính giảm hoại tử gan ở thời điểm 14 ngày, nên có thể kết luận cao bưởi non hỗ trợ quá trình phục hồi gan, giúp giảm tỷ lệ hoại tử của gan.

Trong thử nghiệm tác dụng chống rối loạn lipid máu được tiến hành trên mô hình gây rối loạn lipid bằng tyloxapol, ở liều 1,3 g/kg và 5,2 g/kg, cao bưởi non có tác dụng làm giảm cholesterol toàn phần và triglycerid. Cao bưởi non ở liều 5,2 g/kg có tác dụng làm tăng HDL-C so với nhóm bệnh. Ở liều thấp hơn 1,3 g/kg, cao bưởi non không thể hiện tác dụng cải thiện HDL-C so với nhóm bệnh. Chỉ số LDL-C ở nhóm tiêm tyloxapol có điều trị với cao bưởi non và viên nang bưởi non liều 5,2 g/kg giảm so với nhóm chứng bệnh có ý nghĩa thống kê, chứng tỏ cao bưởi non liều 5,2 g/kg có khả năng làm giảm LDL-C trong mô hình tiêm tyloxapol.

Phối trộn tá dược, sản xuất viên nang bưởi non 

Mặt khác, tác dụng chống béo phì được thử nghiệm trên mô hình gây béo phì cho chuột bằng chế độ ăn giàu chất béo. Cao bưởi non giúp làm giảm trọng lượng của chuột hiệu quả sau gần 30 ngày điều trị. Cao bưởi non làm giảm cholesterol toàn phần và triglycerid. Tuy nhiên ở LDL-C, chỉ nhóm điều trị với cao bưởi non liều 5,2 g/kg khác biệt có ý nghĩa so với nhóm bệnh.

Để thuận tiện cho người sử dụng, nhóm thực hiện đã triển khai sản xuất viên nang bưởi non (được đặt tên là viên nang Pompose) từ cao chiết bưởi non (phối hợp cùng một số tá dược) trên dây chuyền công nghệ của Công ty Dược phẩm Boston với thiết kế nhà xưởng đạt yêu cầu theo GMP.

Quy trình chiết cao bưởi non làm nguyên liệu sản xuất viên nang Pompose đạt hiệu suất 35%, cao chiết giàu flavonoid với hàm lượng naringin 20% và flavonoid toàn phần 30%. Nhóm thực hiện cũng đã xây dựng quy trình bào chế viên nang bưởi non 250mg quy mô công nghiệp 100.000 viên/mẻ.

Tính chất của viên nang Pompose không bị biến đổi sau 12 tháng ở điều kiệu bảo quản dài hạn (nhiệt độ 30 ± 2 độ C, độ ẩm tương đối 75 ± 5%) và sau 6 tháng ở điều kiện cấp tốc (nhiệt độ 40 ± 2 độ C, độ ẩm tương đối 75 ± 5%). Hàm lượng naringin không thay đổi đáng kể so với hàm lượng ban đầu của các lô. Đề nghị hạn dùng là 2 năm kể từ ngày sản xuất. Điều kiện bảo quản được xác định là nơi khô, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30 độ C.

TS.DS. Nguyễn Hữu Lạc Thủy (thành viên nhóm triển khai nhiệm vụ) cho biết trên thị trường hiện nay, các sản phẩm giảm cân từ bưởi nói chung chỉ tập trung khai thác dịch ép bưởi, vỏ bưởi sấy. Vì thế, sản phẩm viên nang Pompose giàu flavonoid từ bưởi non (hàm lượng flavonoid ở giai đoạn bưởi non đã được chứng minh dồi dào hơn so với bưởi chín) là một hướng đi rất khác so với số đông, vừa giải quyết bài toán phế phẩm bưởi non để tăng thu nhập về kinh tế cho nhà vườn, vừa tạo ra được một sản phẩm thực sự có giá trị, hỗ trợ giải quyết vấn đề nhức nhối hiện nay của xã hội là thực trạng thừa cân, béo phì, béo bụng và cả rối loạn mỡ máu, mỡ gan. Mặt khác, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu sản xuất viên nang giàu flavonoid hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu và giảm béo phì từ nguồn bưởi non dư phẩm” có nguồn gốc 100 % từ thiên nhiên, sử dụng công nghệ chiết xuất chọn lọc giúp tinh chất được các nhóm hoạt chất chính có tác dụng, loại bỏ các tạp chất có hại cho sức khỏe, sau đó phối hợp các thành phần lại với nhau ở tỷ lệ thích hợp, giúp nâng cao hiệu quả giảm cân, hạ lipid và cải thiện thời gian sử dụng.

Có thể khẳng định, kết quả của nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được các nhà khoa học tại SAPHARCEN đã mở ra hướng tiếp cận mới cho việc tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại nhiều địa phương, trực tiếp thúc đẩy nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đồng thời gián tiếp tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cho quy trình một loại thực phẩm chức năng hữu dụng, giúp hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ, hạ mỡ máu cũng như thúc đẩy giảm cân.

Chia sẻ thêm về kế hoạch tiếp theo để đưa kết quả nhiệm vụ khoa học - công nghệ phục vụ trực tiếp cho người dân và xã hội, TS.DS. Nguyễn Hữu Lạc Thủy cho biết hiện nay sản phẩm Pomsome đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp giấy tiếp nhận công bố đăng ký sản phẩm số 4859/2023/ĐKSP.

"Hiện nhóm nghiên cứu cũng đang tích cực phối hợp với đơn vị sản xuất là Công ty Dược phẩm Boston để hoàn thiện tính toán giá thành sản phẩm, chiến lược marketing để sớm đưa sản phẩm ra thị trường", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ thông tin.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN