Sẵn sàng cho Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang
(ĐCSVN) - Sau 3 năm phải tạm hoãn do dịch COVID-19, lễ khai hội xuân và khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch năm 2023 được tái khởi động từ ngày 1/2 đến 6/2/2023 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng) với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc.
Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) là điểm đến hấp dẫn. |
Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023 với chủ đề "Linh thiêng Tây Yên Tử" là sự kiện có ý nghĩa rất lớn nhằm quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, tạo đà thúc đẩy du lịch Bắc Giang phát triển.
Gần 3 tháng qua, các sở, ngành, địa phương liên quan đã chuẩn bị chu đáo nhiệm vụ, phần việc được phân công. Tại Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động), hàng loạt công việc chuẩn bị cho sự kiện được các đơn vị của huyện Sơn Động triển khai, từ trang trí khánh tiết khu vực trung tâm khai hội đến bố trí mặt bằng bãi đỗ xe, hội trại, nơi tổ chức các giải vô địch đẩy gậy, kéo co tỉnh Bắc Giang…
Suốt một tuần diễn ra sự kiện, huyện sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: Hội trại văn hóa - du lịch; trưng bày và bán sản phẩm đặc trưng, giới thiệu ẩm thực độc đáo; trò chơi dân gian; thi vẽ tranh về Tây Yên Tử; hội diễn ca, múa, nhạc quần chúng. Đặc biệt, tại hội trại văn hóa - du lịch, các xã, thị trấn có hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng tại thị trấn Tây Yên Tử còn tổ chức sân khấu hóa lễ cấp sắc của dân tộc Dao, hát Pá Dung, góp phần quảng bá di sản văn hóa đặc sắc còn lưu giữ.
Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết: Việc UBND tỉnh chọn huyện Sơn Động là nơi tổ chức lễ khai hội xuân và khai mạc Tuần Văn hóa -Du lịch năm 2023 là niềm vinh dự đối với cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện. Đây là dịp để huyện quảng bá di sản văn hóa, tiềm năng phát triển du lịch, mời gọi du khách đến với địa phương nhiều hơn. Qua đó thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch, chế biến nông-lâm sản, mở ra cơ hội lớn phát triển KT-XH.
Tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chương trình nghệ thuật "Đêm nhạc Phật" với chủ đề "Vĩnh Nghiêm - Hào quang trí huệ" được tổ chức vào tối 1/2/2023 (tức tối 11 tháng Giêng). Chương trình có hình thức mới lạ, đặc sắc, kể chuyện bằng âm nhạc về sự nghiệp, thân thế cũng như quá trình giác ngộ của Phật hoàng Trần Nhân Tông; sự hình thành, phát triển Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng sáng lập trong đời sống tâm linh và Phật giáo Việt Nam. Chương trình có hàng trăm diễn viên, nhà sư, học sinh tham gia.
Ông Vũ Trí Thống, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Dũng cho biết, cùng với việc trang trí tiểu cảnh để khách chụp ảnh, nhà chòi trưng bày sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện, trưng bày mộc bản, năm nay khách đến chùa Vĩnh Nghiêm được trải nghiệm in mộc bản - Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Các hoạt động chính tại Tuần Văn hóa - Du lịch. |
Đặc biệt, lễ rước bộ mộc bản "Cư trần lạc đạo phú" từ chùa Vĩnh Nghiêm lên chùa Thượng Tây Yên Tử (Sơn Động) sẽ có sự tham gia của 108 xe rước. Tại khu vực trung tâm khai hội, Bảo tàng tỉnh trưng bày chuyên đề "Dấu thiêng Phật giáo vùng Tây Yên Tử-Di vật ngàn năm từ lòng đất" gồm gần 200 hiện vật cổ được khai quật tại khu vực Tây Yên Tử. Ngoài Sơn Động, Yên Dũng, ở huyện Lục Ngạn tổ chức hội hát sloong hao và phiên chợ xuân vùng cao, các xã bố trí gian trưng bày giới thiệu ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Ở huyện Lục Nam, thay vì đợi đến lễ hội Suối Mỡ (mùng 1 tháng Tư Âm lịch), trong Tuần Văn hóa-Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Liên hoan hát Văn, chầu Văn tỉnh Bắc Giang tại Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ. UBND huyện tổ chức khai hội xuân tại chùa Bát Nhã, xã Huyền Sơn, đền Thần Nông, xã Cẩm Lý...
Việc tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch năm 2023 do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức với chủ đề “Linh thiêng Tây Yên Tử” nhằm quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, nổi bật về tiềm năng du lịch của tỉnh, đặc biệt là không gian văn hóa Phật giáo với con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, giúp kích cầu du lịch.
Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm có giá trị không chỉ đối với Việt Nam mà cả quốc tế. Với ý nghĩa đó, hiện ba tỉnh, gồm: Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh đang nỗ lực xây dựng, bổ sung hồ sơ "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc", hoàn thiện trình cấp thẩm quyền đề nghị UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khẳng định các giá trị văn hóa cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo liên kết vùng cho ba địa phương./.