Bắc Giang: Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động trong công nhân viên chức lao động
(ĐCSVN) - Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Cảnh cho biết, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, Công đoàn Bắc Giang định hướng thông tin, đấu tranh với những quan điểm sai trái; nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin cho đoàn viên, người lao động.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của công tác tuyên truyền, vận động trong CNVCLĐ?
Ông Nguyễn Văn Cảnh: Tuyên truyền, vận động trong CNVCLĐ giữ vai trò hết sức quan trọng, được xác định là một trong ba chức năng cơ bản của tổ chức công đoàn và là phương tiện quan trọng để phố biến các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Thông qua tuyên truyền, vận động,tổ chức công đoàn định hướng thông tin, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh với những quan điểm, hành động sai trái; bảo vệ nền tảng tư tưởng, làm cho CNVCLĐ tiếp nhận một cách đầy đủ, đúng đắn, góp phần nâng cao nhận thức, hình thành và củng cố niềm tin, giáo dục lý luận, đạo đức, lối sống; bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng hành động cho đoàn viên, người lao động.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Cảnh |
PV: Với Bắc Giang, thời gian qua công tác tuyên truyền, vận động trong CNVCLĐ đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Cảnh: Trả lời câu hỏi này, tôi xin quay lại thời điểm năm 2021, đây là năm cả nước nói chung, Bắc Giang nói riêng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thời gian dài phải thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, áp dụng "5K" để phòng dịch...,nên việc tổ chức các hoạt động công đoàn nói chung và công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động nói riêng chịu ảnh hưởng rất lớn.
Với phương châm “hướng mạnh về cơ sở”, chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho đoàn viên, người lao động, công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động, làm cho người lao động tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, sẵn sàng đồng sức đồng lòng vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch, yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ tình hình thực tế đó, Công đoàn Bắc Giang đã kịp thời điều chỉnh nội dung, phương thức hoạt động tuyên truyền, vận động CNVCLĐ để phù hợp với tình hình thực tiễn. Thay bằng tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung đông người tại doanh nghiệp, các cấp công đoàn đã tăng cường tuyên truyền trên bảng tin, panô, áp phích lắp đặt tại các trục đường trong khu công nghiệp, nơi làm việc và tại khu nhà trọ công nhân; thu thanh ra các file tuyên truyền để phát tại doanh nghiệp, trên xe đưa, đón công nhân. Sau này, chúng tôi đã mở rộng nội dung không chỉ phòng, chống dịch mà còn tuyên truyền về an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và các kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, dinh dưỡng cần thiết cho gia đình trong mùa dịch...
Cùng với đó, chúng tôi cũng quan tâm tuyên truyền, vận động CNVCLĐ qua các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó phối hợp với các đài, báo trung ương và địa phương thực hiện nhiều chuyên mục truyền hình công đoàn, phát các video, clip tuyên truyền những việc làm hay, sáng tạo, gương cán bộ công đoàn tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội; đổi mới nội dung tuyên truyền trên trang zalo, facebook của Công đoàn Bắc Giang, nâng cấp Cổng thông tin điện tử Công đoàn Bắc Giang nhằm truyền tải thông tin nhanh, chính xác đến đoàn viên và người lao động; tăng cường sử dụng mạng xã hội tổ chức các cuộc thi, tìm hiểu luật, phát động phong trào thi đua “lao động giỏi”, “lao động sáng tạo”, nắm bắt dư luận xã hội, tuyên truyền phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...
Cán bộ công đoàn Bắc Giang trao đổi cùng đoàn viên, người lao động |
Chúng tôi nhận thấy các hoạt động này đã giúp CNVCLĐ nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của tổ chức công đoàn và của địa phương, yên tâm lao động sản xuất, sẵn sàng chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
PV: Vậy để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền vận động, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang xác định những nhiệm vụ và giải pháp như thế nào trong thời gian tơí, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Cảnh: Chúng tôi xác định rõ tuyên truyền phải đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm trong từng thời kỳ; tăng cường trao đổi thông tin hai chiều, kịp thời, chính xác, nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh những vấn đề nhạy cảm; nói ngắn, viết ngắn, thông tin nhanh, đi vào những nội dung trọng tâm, cốt lõi. Công tác tuyên truyền luôn phải “đi trước một bước”, chủ động nắm sát diễn biến tư tưởng, định hướng tư tưởng đúng đắn và kịp thời; dự báo trước các vấn đề tư tưởng sẽ nảy sinh để có phương án giải quyết kịp thời, hiệu quả; đi cùng để cổ vũ, động viên tổ chức thực hiện và đi sau để biểu dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến.
Thứ hai, phải chuẩn bị tốt nội dung tuyên truyền. Nắm vững đặc điểm của đối tượng tuyên truyền để biên soạn nội dung tuyên truyền cho phù hợp. Nội dung tuyên truyền cần phải có trọng tâm, trọng điểm, không nói chung chung, thông tin phải rõ ràng, phong phú, phải có minh họa cho nội dung thông tin cho thật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nói, để trở nên gần gũi, thiết thực trong đời sống, để công nhân viên chức lao động dễ dàng nhận thức được và làm được.
Chú trọng tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giai cấp công nhân, về tổ chức công đoàn; Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII; các nội dung về an ninh mạng, các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; các kiến thức về phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, phòng chống ma tuý, mại dâm, mua bán người; kiến thức về giới, bình đẳng giới, nữ công gia chánh, dân số - kế hoạch hóa gia đình...; tập trung thực hiện tốt Đề án về xây dựng “Nhà trọ công nhân văn minh, an toàn”; tuyên truyền về các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng với phương châm “lấy cái tốt dẹp cái xấu”, tạo sự tin tưởng và đồng thuận trong CNVCLĐ.
Chương trình "Giờ thứ 9" hình thức tuyên truyền mới thu hút người lao động Bắc Giang tham gia |
Thứ ba, nghiên cứu phương pháp và cách thức tuyên truyền phù hợp, đáp ứng đúng tâm lý của người lao động trong đó triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 05/02/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng phương thức trực quan: bảng tin, pano, áp phích tại các nơi có đông công nhân lao động, trong doanh nghiệp và các khu nhà trọ công nhân; biên soạn, phát hành tờ gấp với các nội dung tuyên truyền sát với nhu cầu của người lao động. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp tuyên truyền hiện đại, sử dụng có hiệu quả các mạng xã hội cũng như phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện các chuyên mục Công đoàn. Tăng cường phát huy vai trò đài truyền thanh cơ sở (ở các thôn, xóm, tổ dân phố và trong các doanh nghiệp) cũng như tiếp tục phát huy triệt để ưu thế của các phương thức tuyên truyền, cổ động truyền thống như tuyên truyền thông qua sinh hoạt công đoàn, qua các câu lạc bộ của công nhân; tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, qua tổ chức lễ hội truyền thống, kỷ niệm ngày thành lập doanh nghiệp hoặc sinh nhật tập thể… Tuyên truyền thông qua các hoạt động tham quan thực tế, báo cáo điển hình, học tập gương người tốt, việc tốt.
Cùng với đó, chúng tôi tập trung kiện toàn, quản lý hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động. Quan tâm, kiện toàn những người có tâm huyết, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng, có thể sắp xếp thời gian, công sức... cho hoạt động công đoàn, để tạo được niềm tin từ đoàn viên và người lao động, giúp họ tin tưởng, phản ánh khách quan thông tin từ cơ sở cho mình, làm sao để đoàn viên, người lao động cảm thấy cán bộ công đoàn thực sự là người đại diện cho mình, để cùng chia sẽ những tâm tư, tình cảm và đề đạt các nguyện vọng chính đáng.
Tăng cường phối hợp với các ban, sở, ngành, đoàn thể và chính quyền cùng cấp, thủ trưởng các đơn vị, chủ doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên và người lao động; tuyên truyền trong các khu công nghiệp, trong doanh nghiệp và trong khu nhà trọ công nhân.
Các cấp công đoàn trong tỉnh thường xuyên nắm bắt dư luận trong đoàn viên, người lao động, chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền và người sử dụng lao động giải quyết tốt nhất là các vấn đề bức xúc, cấp bách ngay từ cơ sở, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng dư luận, qua đó đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc; tuyên truyền, lan tỏa những việc làm thiết thực, hiệu quả của tổ chức công đoàn, các gương điển hình tiên tiến, qua đó góp phần củng cố niềm tin của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...