Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sa Pa - nơi giao thoa của thiên nhiên và văn hóa

Chủ Nhật, 28/07/2024 10:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, một địa danh luôn lan tỏa sức hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế bởi sự hòa quyện giữa vẻ đẹp nhiên nhiên hùng vĩ và sự đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống nơi đây. Sự đa dạng văn hoá đó hòa quyện làm nên sức hấp dẫn của bức tranh văn hóa Sa Pa nhiều sắc mầu.

Sở hữu thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, Sa Pa còn là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa của đồng bào các dân tộc Kinh, H'Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó với nhiều phong tục, tập quán và những nét văn hóa riêng biệt. Nổi bật như chợ tình Sa Pa, một dịp để các dân tộc thiểu số giao lưu văn hóa, lan tỏa các giá trị văn hóa bản địa ở Sa Pa. Cùng đó là không gian văn hóa của những lễ hội truyền thống rực rỡ sắc màu, những điệu múa, tiếng khèn, tiếng sáo vang lên giữa không gian núi rừng, những ngôi nhà sàn đơn sơ ấm cúng, những món ăn truyền thống như thắng cố, xôi ngũ sắc, rượu ngô. Tất cả hòa quyện mang đến khách thăm quan những trải nghiệm văn hóa, ẩm thực đáng nhớ.

 Năm 1903, đoàn thám hiểm của sở Địa lý Đông Dương phát hiện ra cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả và đặt tên Cao trạm khu vực là Sa Pa. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, Sa Pa đang chuyển mình mạnh mẽ trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
 Từ trên đỉnh núi Fansipan cao 3.143 mét, du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh núi non hùng vĩ và biển mây bồng bềnh dưới chân.
 Vào mùa Đông, Sa Pa đôi khi có tuyết rơi, sương mù dày đặc, ẩn hiện, phủ kín các dãy núi và thung lũng, tạo nên vẻ đẹp huyền bí và lãng mạn.
 Ẩn mình giữa dãy núi Hoàng Liên Sơn trùng điệp của vùng Tây Bắc, bức tranh Sa Pa hấp dẫn du khách bởi thiên nhiên hùng vỹ, những thửa ruộng bậc thang mềm mại, vàng óng vào mùa lúa chín, tạo nên những khung cảnh thơ mộng.
 Đỉnh núi Fansipan được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” luôn thách thức những bước chân ưa khám phá. Để lên được nóc nhà Đông Dương cao 3.143 mét, hệ thống cáp treo hiện đại giúp thời gian di chuyển của du khách chỉ còn 15 phút, có thể dễ dàng thưởng thức phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ ở Sa Pa từ trên cao.
 Sa Pa là nơi sinh sống của cộng đồng 6 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán và nét văn hóa riêng biệt, từ trang phục, ngôn ngữ cho đến các lễ hội và phong tục, tập quán lâu đời.
 Người H'Mông ở Sa Pa có nền văn hóa đặc sắc, trang phục truyền thống nhiều sắc mầu, thu hút du khách. Phụ nữ mặc váy xòe rộng, áo thêu hoa và đội khăn. Nam giới mặc áo chàm. Nền văn hoá H'Mông có nhiều lễ hội lâu đời in đậm đời sống tín ngưỡng như lễ hội “Gầu Tào”, lễ “Nào Sồng”, lễ “Tu su”… các lễ hội hầu hết diễn ra vào mùa xuân để cầu phúc và may mắn.
 Du khách trải nghiệm bản Cát Cát của người H’Mông ở Sa Pa.
 Dân tộc Dao ở Sa Pa là một dân tộc có nền văn hóa phát triển rực rỡ, từ trang phục với áo dài, váy và khăn đội đầu đỏ đến các loại hình nghệ thuật dân gian, nhảy múa đan xen với nghệ thuật âm nhạc, các bài thiên binh, hành quân, trừ tà…, nghệ thuật ngôn từ kể về sự tích của dòng họ Bàn, Triệu, Đặng…, kể về công lao tổ tiên, về sự tích một số vị thần trong tín ngưỡng của người Dao.
 Cùng tôn tạo bản sắc Sa Pa, người Tày có nền văn hóa đặc sắc, thể hiện từ trang phục, ẩm thực đến các lễ hội truyền thống. Nổi bật có hát then, đàn tính, múa sạp, nhiều lễ hội cổ in đậm sắc mầu văn hóa dân gian như lễ cấp sắc, hội Lồng Tồng (xuống đồng). Các lễ hội thường diễn ra vào đầu năm để cầu mùa màng bội thu, họ cũng nổi tiếng với các sản phẩm thủ công như đan lát, thêu và dệt.
  Người Xá Phó ở Sa Pa có trang phục thổ cẩm đẹp mắt. Phụ nữ mặc váy dài có thắt lưng và khăn đội đầu. Phong tục, tập quán có nhiều lễ hội, nghi lễ truyền thống như lễ cúng rừng, cầu mùa và các nghi lễ nông nghiệp.
Nghệ thuật thêu, dệt, chạm khắc của người Xá Phó tinh xảo, mang đậm dấu ấn riêng. Các sản phẩm thổ cẩm, trang phục, các vật dụng trang trí được làm thủ công tỉ mỉ, phản ánh tài năng của người Xá Phó.
 Góp phần tạo nên chỉnh thể vẻ đẹp văn hóa ở Sa Pa, đồng bào dân tộc Giáy có nền văn hóa phát triển rực rỡ lưu giữ trong các phong tục, tập quán lâu đời, trong đó có tục cưới hỏi, các nghi lễ thờ cúng các vị thần và tổ tiên…
 Dân tộc Giáy có trang phục áo dài, màu sắc tươi sáng và hoa văn nhẹ nhàng, đầu đội khăn. Họ giỏi múa hát, có ẩm thực đặc trưng như thịt trâu gác bếp và xôi ngũ sắc.
 Mỗi dân tộc ở Sa Pa đều có bản sắc riêng, sự kết hợp hài hòa giữa các nền văn hóa trong cộng đồng các dân tộc ở Sa Pa làm phong phú hơn đời sống văn hóa nơi đây, giúp nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế, một điểm đến văn hóa - du lịch không thể bỏ qua trong hành trình tìm hiểu, khám phá đất nước Việt Nam tươi đẹp.
N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN