Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khỏe trẻ em: Khẳng định thông điệp “Vì nụ cười trẻ em”

Thứ Hai, 21/10/2024 11:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – “Toàn bộ hoạt động của Tạp chí Sức khỏe trẻ em sẽ kiên trì thể hiện một thông điệp hết sức nhân văn “Tạp chí Sức khỏe trẻ em - Vì nụ cười trẻ em”, TS Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khoẻ trẻ em khẳng định tại Lễ ra mắt sáng 21/10.

Sáng 21/10, tại Hà Nội, Tạp chí Sức khoẻ trẻ em tổ chức Lễ ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em (in và điện tử).

Dự buổi lễ có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Xuân Thủy Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam; Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe trẻ em; Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cùng đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng một số lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm…

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Giấy phép số 289/ GP-BTTTT về hoạt động của Tạp chí Sức khỏe trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử, với tên miền https://suckhoetreem.vn/. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Đổi mới mạnh mẽ để trở thành một trong những cơ quan báo chí hàng đầu về chăm sóc trẻ em khuyết tật

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Lễ ra mắt

Chúc mừng Tạp chí Sức khỏe trẻ em, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, đây là bước phát triển quan trọng của Tạp chí Tình Thương và Cuộc sống sau hơn 20 năm phát triển. Đặc biệt, đối tượng chính của Tạp chí Sức khỏe trẻ em là hơn 2 triệu trẻ em khuyết tật cho thấy nhiệm vụ của Tạp chí là vô cùng quan trọng.

Đồng chí Lê Quốc Minh cũng đánh giá cao những định hướng phát triển mạnh mẽ của Tạp chí Sức khỏe trẻ em trong thời gian tới. Đặc biệt, Tạp chí xác định thúc đẩy phát triển mạnh mẽ điện tử bao gồm hai ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh, với giao diện, công nghệ, ứng dụng, tiện ích hiện đại…

Nêu rõ cách làm báo hiện nay đi sâu vào những nội dung mang tính truyền cảm hứng, mang lại cái nhìn tốt đẹp cho xã hội, đồng chí Lê Quốc Minh cho rằng, Tạp chí sẽ có nhiều “dư địa” để kể những câu chuyện xúc động, những tấm gương, mô hình tốt…  lan tỏa đến đông đảo công chúng, bạn đọc. Từ đó tiếp tục đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phản biện các chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật.

“Tôi tin tưởng Tạp chí Sức khỏe trẻ em sẽ cùng với rất nhiều báo, tạp chí dành cho trẻ em khác sẽ đóng góp quan trọng trong việc nuôi dưỡng, bồi dưỡng, hỗ trợ đào tạo một thế hệ mới trong tương lai” - đồng chí bày tỏ.

 Đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Lễ ra mắt

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ ra mắt, đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao quá trình hoạt động của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống với những kết quả và thành tựu quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời cho rằng, việc đổi tên từ Tạp chí Tình thương và cuộc sống thành Tạp chí Sức khỏe trẻ em là một tất yếu của quá trình phát triển, phù hợp với tình hình mới hiện nay đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam và nhu cầu của bạn đọc.

Chỉ đạo định hướng phát triển đối với Tạp chí Sức khỏe trẻ em trong thời gian tới, đồng chí Phan Xuân Thuỷ nhấn mạnh yêu cầu: “Tạp chí mới Sức khỏe trẻ em cần nỗ lực, đổi mới mạnh mẽ để trở thành một trong những cơ quan báo chí truyền thông hàng đầu về chăm sóc trẻ em khuyết tật”.

Theo đó, Tạp chí phải đổi mới toàn diện nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức cán bộ, đảng viên và người dân về công tác trẻ em khuyết tật. Quán triệt nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật…

Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) trao Giấy phép hoạt động cho Tạp chí Sức khỏe trẻ em 

Với sứ mệnh “Nhân văn - Nhân bản - Nhân ái, Tạp chí Sức khỏe trẻ em không chỉ cung cấp thông tin mà còn hướng tới việc tạo ra những giá trị tích cực cho xã hội. Nhấn mạnh điều trên, đồng chí yêu cầu “Tạp chí cần đề cao tính nhân văn trong từng bài viết, đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động xã hội ý nghĩa, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa yêu thương và sự sẻ chia đến cộng đồng”.  Đồng thời Tạp chí còn đóng vai trò làm cầu nối giữa các nhà khoa học, các tổ chức nhân đạo, độc giả trong và ngoài nước.., nâng cao chất lượng truyền thông đối với công ước Liên hợp quốc và hợp tác quốc tế về quyền trẻ em trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý, Tạp chí cần phát hiện, nhân rộng, cổ vũ các nhân tố mới, các điển hình tập thể, cá nhân trong công tác chăm sóc trẻ em, trẻ em khuyết tật. Vận động tập hợp, tiếp nhận sự giúp đỡ, đóng góp về vật chất và tinh thần của các cá nhân và tập thể, các tổ chức xã hội, từ thiện, nhân đạo trong và ngoài nước để thực hiện tốt các hoạt động tổ chức khám chữa bệnh, chữa tật, phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm miễn phí cho trẻ em khuyết tật, tổ chức các hoạt động kinh tế, dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em khuyết tật có thể lao động tự nuôi sống bản thân, giúp ích cho gia đình, xã hội, sống hòa nhập bình đẳng với cộng đồng…

Luôn đồng hành, bảo vệ và chăm sóc cho trẻ em

Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam phát biểu tại Lễ ra mắt

Thay mặt cơ quan chủ quản, ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cho rằng: Việc ra đời Tạp chí Sức khỏe trẻ em thay cho Tạp chí Tình thương và Cuộc sống là một tất yếu, khách quan phù hợp với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước cũng như đổi mới báo chí, đồng thời thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

“Tạp chí Sức khỏe trẻ em phải là kênh thông tin chính thống, quan trọng, có nhiều đóng góp vào tuyên truyền, hỗ trợ… nhằm mục đích phòng tật cho trẻ em; chăm sóc, chữa tật, phục hồi chức năng cho trẻ em bị khiếm khuyết; hỗ trợ giúp trẻ em khuyết tật thoát khỏi khổ đau và bất hạnh, được bảo vệ và chăm sóc theo pháp luật của Nhà nước Việt Nam và Công ước về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc...” - ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

 Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe trẻ em Trần Doãn Tiến nhấn mạnh thông điệp "Tạp chí Sức khỏe trẻ em - Vì nụ cười trẻ em"

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khoẻ trẻ em cho biết: “Sứ mệnh và mục tiêu quan trọng của Tạp chí Sức khỏe trẻ em trong thời gian tới và trong lộ trình phát triển 10 năm tới là tiếp tục đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phản biện các chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật”.

Toàn bộ hoạt động của Tạp chí sẽ kiên trì thể hiện một thông điệp truyền thông hết sức nhân văn “Tạp chí Sức khỏe trẻ em - Vì nụ cười trẻ em”, nhằm lan tỏa đến với đông đảo công chúng, bạn đọc, nhất là đối với trẻ em nói chung và hơn 4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có trên  2 triệu trẻ em khuyết tật... Vì vậy, Tạp chí sẽ đổi mới đồng bộ, toàn diện về hình thức, nội dung trên cả hai ấn phẩm in và điện tử.

 Các đại biểu thực hiện nghi lễ bấm nút, khai trương bộ mới Tạp chí Sức khỏe trẻ em

Đồng chí Trần Doãn Tiến hy vọng với sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, doanh nhân trong những năm tới, cùng với những tấm lòng nhân văn, nhiệt huyết, tích cực vì cộng đồng, vì nụ cười trẻ em, những người làm Tạp chí Sức khỏe Trẻ em sẽ vững vàng bước tới một chặng đường phát triển mới tự tin, năng động và hiệu quả. Nỗ lực phấn đấu để trở thành một trong những kênh tuyên truyền hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ quyền lợi của trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trở thành người bạn và là nhịp cầu yêu thương, lan tỏa kiến thức và ý thức bảo vệ sức khỏe trẻ em đến đông đảo công chúng bạn đọc.

  “Kỳ vọng rằng sự thay đổi trong chặng đường mới sẽ đáp ứng sự mong đợi của các ban, bộ, ngành, hội và công chúng bạn đọc. Điều đó không chỉ là một bước phát triển mới mà còn là lời cam kết mạnh mẽ về sứ mệnh của Tạp chí Sức khoẻ trẻ em - luôn đồng hành, bảo vệ và chăm sóc cho trẻ em, những mầm xanh quý giá của xã hội” - Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe Trẻ em nhấn mạnh./.

 Tạp chí Sức khỏe trẻ em là cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: Tuyên truyền về trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật; cung cấp thông tin về các chính sách của Nhà nước đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; và phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phòng tránh tật nguyền. Tạp chí còn đóng vai trò làm cầu nối giữa các nhà khoa học, các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước với những người làm công tác chăm sóc trẻ em tại Việt Nam.

 

 

Tú Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN