Quỳnh Lưu (Nghệ An): Hiệu quả từ Chương trình xây dựng nông thôn mới
(ĐCSVN)- Sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là sau khi triển khai Đề án số 07 - ĐA/HU của BCH Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) thực hiện Nghị quyết 03 - NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020, đến nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc: Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội từng bước được hiện đại; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, dân sinh, giáo dục, đào tạo, y tế, phòng chống thiên tai được quan tâm đầu tư, nhiều tuyến đường, công trình giao thông, thủy lợi được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, thu nhập, giá trị tăng thêm bình quân đầu người tăng nhanh. Chất lượng cuộc sống, điều kiện vệ sinh môi trường, nước sạch, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; Chất lượng, giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng được cải thiện; An ninh trật tự được giữ vững, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và tăng cường. Thu nhập bình quân đạt trên 26,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện chỉ còn 2,3%, tỷ lệ gia đình dùng nước sạch, hợp vệ sinh 94%, có 26 xã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã, 22 xã hoàn thiện thiết chế thông tin thể thao đạt chuẩn, 373/406 thôn có nhà văn hóa gắn sân chơi bãi tập đạt 91,9%, tỷ lệ làng văn hóa 273/406 làng, đạt tỷ lệ 67,2%, tỷ lệ gia đình văn hóa 80,7%.
Hết năm 2015, có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 4 xã so với kế hoạch đề ra, tăng bình quân 2,2 tiêu chí so với năm 2014), lũy kế có 12/32 xã đạt chuẩn, chiếm 37,5%; Bình quân toàn huyện đạt 15,3/19 tiêu chí, tăng 8 tiêu chí so với năm 2010. Trong đó, 3 xã đạt 10 tiêu chí, 1 xã đạt 11 tiêu chí, 4 xã đạt 12 tiêu chí, 3 xã đạt 13 tiêu chí, 6 xã đạt 14 tiêu chí, 1 xã đạt 15 tiêu chí, 1 xã đạt 16 tiêu chí, 1 xã đạt 17 tiêu chí và 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Có được những kết quả trên là do công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân để xây dựng nông thôn mới; Lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của mặt trận và các đoàn thể trong tổ chức thực hiện chương trình NTM…
Những vấn đề đặt ra…
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ đảng viên và nhân dân về chương trình chưa đúng, chưa xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mình; Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đồng thể một số xã thiếu quan tâm, không quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm chưa cụ thể rõ ràng, tổ chức kiểm tra giám sát chưa thường xuyên, chưa thực sự vào cuộc.
Triển khai thực hiện chậm, công tác quán triệt Nghị quyết, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện đề án ở một số xã chưa tốt, thiết quyết liệt, tổ chức công bố quy hoạch, cắm mốc, ban hành quy chế quản lý triển khai chậm, xác định nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện ở các xã chưa cụ thể, còn thiếu các giải pháp, cách làm hay nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp để xây dựng NTM.
Điều đáng nói, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đang chú trọng các nội dung xây dựng kết cấu hạ tầng nhưng chưa xác định rõ nguồn vốn, lộ trình thực hiện; còn nặng tư tưởng trông chờ vào ngân sách nhà nước nhưng chưa thực hiện tốt công tác vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn từ các chương trình, dự án lồng ghép của ngân sách cấp trên và các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước.
Đặc biệt, xây dựng cánh đồng, vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch chưa rõ nét; triển khai nâng cấp, cứng hóa hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng sau chuyển đổi chậm; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vào sản xuất để nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng.
Từ nay đến năm 2020 Quỳnh Lưu đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 25-28 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại đạt ít nhất từ 14 tiêu chí trở lên.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, nhiệm vụ lãnh đạo, chính quyền địa phương là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong Đảng và cộng đồng dân cư về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp và tổ chức thực hiện của chương trình xây dựng NTM để nhân dân hiểu, xây dựng NTM phải do người dân nông thôn làm chủ thể, huy động nội lực là chính.
Đồng thời, tiếp tục phát động phong trào thi đua chung tay xây dựng nông thôn mới; chọn phong trào vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, tài sản để giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn theo và cứng hóa giao thông, thủy lợi nội đồng để tập trung lãnh đạo chỉ đạo phát triển thành cao trào nhằm huy động sự tham gia tích cực, đồng thời phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong XD NTM.