Triển vọng mới từ mô hình “tôm xen tôm”
Nhờ chuyển dịch cơ cấu đúng định hướng, những năm gần đây nông dân huyện vùng sâu Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đã từng bước hình thành được vùng canh tác, nhất là hiệu quả từ mô hình nuôi một vụ tôm càng xanh xen tôm thẻ với một vụ lúa đã đem lại hiệu quả khá cao.
Theo ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, với hiệu quả từ mô hình nuôi một vụ tôm càng xanh xen tôm thẻ với một vụ lúa, huyện Vĩnh Thuận đã quy hoạch lại vùng sản xuất cho phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Theo đó, Vĩnh Thuận quy hoạch nuôi mô hình này ở các xã nằm ven sông Cái Lớn, gồm Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Bình Bắc, Bình Minh và một phần xã Tân Thuận, với tổng diện tích gần 10.000 ha.
Ông Hậu cho biết, sở dĩ mô hình “tôm xen tôm” vì tôm càng xanh từ thả nuôi đến thu hoạch là 6 tháng. Trong khi đợi thu hoạch, nông dân thả xen vào tôm thẻ chân trắng, vì loại này chỉ 3 tháng cho thu hoạch. Như vậy, trên cùng diện tích, nông dân thu hoạch 3 lần tôm trong 6 tháng. Theo tính toán và thu hoạch thực tế của nông dân, mỗi 1 ha nuôi theo mô hình “tôm xen tôm” sẽ cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.
Trung bình 1 ha nuôi tôm càng xanh xen tôm thẻ sẽ cho thu về 3 tấn tôm, với giá bán hiện nay từ 150.000 - 170.000 đồng/kg, trừ chi phí khoảng 160 triệu đồng, còn lại nông dân hưởng lợi. Đặc điểm con tôm càng xanh nuôi ở vùng nước này có lợi hơn nữa là thịt ngon, nuôi hoàn toàn trong môi trường tự nhiên nên tôm sạch. Vì vậy, khi ở một số nơi trong tỉnh Kiên Giang giá tôm càng xanh sụt giảm, thì con tôm ở đây vẫn có giá cao hơn từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Cái được nhất của bà con hiện nay khi đầu ra rất ổn định, thương lái đến tận ruộng thu mua và cung cấp các dụng cụ ô xy để tôm luôn tươi sống.
Nuôi tôm theo mô hình này nông dân có nhiều thuận lợi, sau khi đã thu hoạch vụ tôm càng xanh, nông dân bắt đầu cấy lại một vụ lúa. Tuy không lãi nhiều, khoảng 10 triệu đồng/ha, nhưng bù lại làm cho đất được cải tạo tốt hơn, nhất là khi thu hoạch lúa xong, bơm nước vào nuôi tôm thì chính gốc lúa còn lại cũng làm thức ăn cho tôm và có nơi trú ngụ.
Ông Võ Văn Sữa, ngụ ấp Nước Chảy, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận cho biết, gia đình ông có 3 ha nuôi tôm càng xanh xen với tôm thẻ và một vụ lúa. Trước đây, gia đình ông nuôi tôm sú, có vụ lãi vụ không, từ khi chuyển qua mô hình nuôi tôm càng xanh xen tôm thẻ và vụ còn lại trồng lúa đã cho thu nhập rất cao. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông Sữa thu về trên 900 triệu đồng. Nhờ vậy, hiện nay ông Sữa đã xây dựng được nhà lớn, mua sắm xe 4 chỗ để đi lại “giao dịch”.
Ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận cho biết, từ hiệu quả mô hình nuôi tôm càng xen tôm thẻ đã giúp huyện vùng sâu này đạt sản lượng vượt kế hoạch và sẽ hướng cho ngành nông nghiệp đề xuất quy hoạch thời gian tới được hoàn thiện hơn.
“ Để nâng cao hiệu quả của mô hình này, trong thời gian tới, Vĩnh Thuận đang tính việc mở rộng thị trường cho con tôm càng xanh. Về lâu dài cần phải có nơi tiêu thụ ổn định thì nông dân mới mạnh dạn chuyển đổi mô hình và yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, theo tái cơ cấu nông nghiệp của huyện hiện nay là một vụ tôm, một vụ lúa, nhưng nhiều nông dân vẫn chưa thực hiện làm theo là nuôi chuyên tôm. Điều này dẫn đến việc sẽ bị ô nhiễm nguồn nước, đất cũng bị “chay”, dần về sau nuôi tôm không hiệu quả”, ông Phạm Văn Hậu cho biết.
Với những triển vọng từ mô hình này, năm 2018, huyện Vĩnh Thuận phấn đấu thả nuôi đạt 25.656 ha, với sản lượng 13.490 tấn, trong đó tôm càng xanh chiếm gần một nửa. Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Thuận sẽ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho tôm càng xanh sạch và lúa sạch trên nền đất nuôi tôm. Bước đầu, huyện sẽ thí điểm vào khoảng 150 ha, sau đó sẽ tiếp tục nhân rộng ra toàn huyện./.