Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc

Thứ Năm, 03/11/2022 14:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Công tác xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử được Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại kỳ họp thứ 4.

Theo đó, báo cáo nêu rõ, tin giả, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền trên các trang mạng xã hội nước ngoài. Nguyên nhân chính là do các mạng xã hội này luôn tránh né việc xử lý, ngăn chặn chúng. Một bộ phận người sử dụng mạng xã hội vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là ảo, là “vô danh”, sẽ không bị phát hiện, xử lý nên tự do “xả rác” - tự do phát ngôn, đăng tải thông tin lên mạng thiếu kiểm soát, thậm chí vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, thông tin xấu độc phát tán thì nhanh nhưng việc xử lý, ngăn chặn của các mạng xã hội xuyên biên giới thì vẫn chậm so với mạng xã hội trong nước nên những thông tin vi phạm pháp luật này tồn tại lâu, ảnh hưởng trên phạm vi rộng ở mạng xã hội xuyên biên giới. Việc quản lý, kiểm tra, rà soát để phát hiện tin giả, thông tin xấu độc còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến nghệ thuật, văn hóa…

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong những năm vừa qua, Bộ TT&TT đã liên tục rà quét, phát hiện và xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin vi phạm pháp luật, chủ yếu là các vi phạm về tin giả, thông tin xấu độc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm các tổ chức, cá nhân, quảng cáo vi phạm pháp luật…Trong nhiều trường hợp, đối tượng “xả rác” trên mạng nhiều khi ẩn danh nên khó phát hiện, phải kết hợp cả “quét rác” và triệt phá nguồn “xả rác”; phải triển khai thường xuyên, đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau để xử lý hiệu quả.  

Qua quá trình quyết liệt, kiên trì triển khai các giải pháp, từ năm 2021 đến nay, Bộ TT&TT và các Sở TT&TT đã ban hành 591 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm (tỷ lệ chặn gỡ trung bình hiện nay đạt trên 93%). Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em như: Hội những người vỡ nợ thích làm liều, Hội những người muốn tự tử, Hội đồng phê... Ngoài ra, đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; Youtube đã ngăn chặn 06 kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (có khoảng hơn 1.500 video clip). 

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên mặt trận phòng chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng, Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng liên quan khác trong việc kiểm tra, xác minh, điều tra, truy vết và xác định các hành vi, đối tượng vi phạm các quy định về nội dung thông tin để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; Tăng cường đổi mới công nghệ trong công tác rà quét, phân tích dữ liệu, nhằm phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông tin vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người sử dụng mạng khi cung cấp, sử dụng thông tin trên không gian mạng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng để cùng chung tay xây dựng không gian mạng lành mạnh, an toàn.

Nghiên cứu, có chính sách phù hợp để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất sản phẩm có giá trị văn hóa, tinh thần phục vụ nhu cầu của độc giả theo phương châm lấy xây để chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đẩy mạnh phát triển nội dung thông tin có ích trên mạng./.

HC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN