Quyết liệt, nhanh chóng triển khai Chương trình 1719
(ĐCSVN) – Từ khi Quyết định 1719 được ban hành, là một chủ trương lớn, Chính phủ liên tục có những chỉ đạo, điều hành sát sao, yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương quyết liệt thực hiện hiệu quả Chương trình; đồng thời định kỳ họp để nắm bắt tình hình, trao đổi với các địa phương về khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện...
Tăng cường chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, các hoạt động chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN (sau đây gọi tắt là Chương trình 1719) được thực hiện quyết liệt, nhanh chóng với mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống với vùng đồng bằng.
Để kịp thời triển khai các các hoạt động của Chương trình, ở cấp Trung ương, ngay khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó, các địa phương cũng đã hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG DTTS&MN cấp tỉnh.
Tổ công tác về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2025 cũng được thành lập do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc là Tổ trưởng; Văn phòng điều phối Chương trình đặt tại Ủy ban Dân tộc đã được kiện toàn lại để thực hiện nhiệm vụ giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý, điều phối, tổ chức thực hiện Chương trình. Tổ trưởng Tổ công tác đã ban hành quy chế hoạt động và Chương trình công tác năm 2022 của Tổ công tác.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh nghe Văn phòng điều phối Trung ương Chương trình báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao. Ảnh: Xuân Thường/UBDT |
Đồng thời với đó, do yêu cầu về việc lồng ghép tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương đã phê duyệt Quyết định ban hành Quy chế hoạt động và Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Toàn bộ 50 địa phương có nhiệm vụ thực hiện Chương trình 1719 đã hoàn thành việc thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cấp tỉnh, trong đó phân công đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng Ban Chỉ đạo; ban hành Quy chế hoạt động và Chương trình công tác năm 2022 để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo quá trình tổ chức thực hiện các Dự án, Tiểu Dự án và nội dung Chương trình tại các địa phương.
Có trên 20 tỉnh đã chủ động, sáng tạo trong việc thành lập thêm Ban Chỉ đạo cấp huyện để tăng cường chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình 1719. Một số địa phương như Hoà Bình, Thừa Thiên - Huế, Bắc Kạn, Quảng Nam cũng đã chủ động thành lập thêm Văn phòng điều phối Chương trình để tăng cường công tác tham mưu và giúp việc cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong công tác quản lý, tổ chức triển khai Chương trình 1719.
Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong các khâu thực hiện
Từ khi Quyết định 1719 được ban hành, là một chủ trương lớn, Chính phủ liên tục có những chỉ đạo, điều hành sát sao, yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương quyết liệt thực hiện hiệu quả Chương trình; đồng thời định kỳ họp để nắm bắt tình hình, trao đổi với các địa phương về khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Trên cơ sở kết quả sơ kết kết quả 01 năm triển khai thực hiện, Chính phủ đã xác định nhiệm vụ trọng tâm và của năm 2022 là: tập trung hoàn thiện việc ban hành cơ chế, chính sách phục vụ triển khai thực hiện chương trình ở các cấp; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; đẩy nhanh thủ tục, tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình.
Văn phòng điều phối Chương trình 1719, Tổ công tác đã trực tiếp tham mưu Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo, phối hợp giải quyết các công việc để triển khai có hiệu quả Chương trình, giúp Ban Chỉ đạo Trung ương điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chương trình, đặc biệt là công tác xây dựng kế hoạch và phân bổ vốn.
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ đã tích cực triển khai các công việc như: ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ Chương trình; xây dựng nội dung hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần; hoàn thiện kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; đánh giá, lập kế hoạch thực hiện năm 2023 và 03 năm 2023-2025; trao đổi về những khó khăn, bất cập khi thực hiện nhiệm vụ và kiến nghị những phương án, giải pháp tháo gỡ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, có ý kiến chỉ đạo. Một số Bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch, tổ chức đi giám sát, đánh giá và nắm tình hình triển khai thực hiện Chương trình năm 2022 ở các địa phương như Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải.
Các ấn phẩm thông tin truyền tải đến bà con dân tộc những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Ảnh minh họa: Thương Huyền |
Ở cấp tỉnh, việc thành lập Ban Chỉ đạo các cấp và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ được thực hiện đầy đủ. Các tỉnh cũng ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở ngành liên quan hoàn thiện kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm... Hiện nay, nhiều địa phương đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tăng cường phân cấp cho cơ sở để tạo sự chủ động, linh hoạt trong triển khai, thực hiện Chương trình trên cơ sở nội dung, định hướng, lĩnh vực cần ưu tiên, phù hợp với đặc thù, điều kiện, tiềm năng lợi, theo quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, dễ thực hiện.
Truyền thông, thông tin về Chương trình được chú trọng
Công tác truyền thông, thông tin cũng được chú trọng. Cả ở trung ương và địa phương, nhiệm vụ truyền thông, thông tin về Chương trình được quán triệt sâu rộng cả nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, vai trò, tầm quan trọng; thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và xã hội; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận của xã hội trong việc thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi.
Đặc biệt, ở địa phương, việc tuyên truyền về chương trình, chính sách thực hiện đa dạng bằng nhiều tiếng dân tộc trên đài phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử; biên soạn và phát hành ấn phẩm thông tin (áp phích, tranh cổ động, sổ tay, cẩm nang hướng dẫn ...), Bản tin công tác dân tộc để cấp phát cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn; tổ chức hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến Đề án tổng thể và Chương trình; tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các báo, tạp chí trên địa bàn; xây dựng mô hình truyền thông, tuyên truyền mang tính đặc thù phù hợp với điều kiện của từng vùng để vận động đồng bào tham gia thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình./.