Quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục
(ĐCSVN) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Cần quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để có những điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được nâng lên...
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 diễn ra sáng 12/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá đây là “năm học vượt khó” và trân trọng nỗ lực của toàn thể đội ngũ giáo viên, các em học sinh đã cố gắng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TT |
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giáo dục Việt Nam tiếp tục duy trì được thứ hạng quốc tế; thực hiện lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; xử lý vấn đề về biên chế. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng đã nhìn thẳng hơn vào những bất cập, yếu kém do chủ quan, thuộc trách nhiệm của ngành. Đơn cử như nguyên nhân của những bức xúc trong thi cử, kiểm tra, đánh giá, dạy thêm - học thêm, sách tham khảo,… là do có lúc, có nơi, có một số giáo viên còn thiếu trung thực, khách quan.
Đề cập nhiệm vụ trong năm học mới 2022-2023, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tiếp tục bám sát Nghị quyết 29-NQ/ TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện đổi mới ở tất cả các khâu, phối hợp với các ban Đảng, ủy ban của Quốc hội theo từng chuyên đề; ngành giáo dục phải thực hiện thực chất hơn việc dạy và học theo hướng phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ cho học sinh, trong đó cần đẩy mạnh hơn nữa việc giảng dạy các môn nghệ thuật trong trường học.
Đồng thời, quyết liệt trong đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải đúng là bộ quản lý nhà nước, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để có những điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được nâng lên, nhanh hơn, bền vững hơn.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát, chủ động đề xuất các cơ chế học phí, quan tâm dành biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho những vùng nông thôn, khó khăn có đủ giáo viên, trường, lớp để học sinh được học 2 buổi/ngày thuận lợi; Đẩy nhanh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, nắm thật sát nguồn lực giáo dục trên cả nước về giáo viên, cơ sở vật chất gắn với thông tin dân số từng địa bàn, từng xã, từ đó chủ động bảo đảm "đủ trường, đủ lớp, đủ giáo viên cho học sinh".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu rõ để bảo đảm chất lượng giáo dục thì học phí phải tính đúng, tính đủ và theo xu thế phát triển thì học phí phải tăng lên. Tuy nhiên, phần học phí do phụ huynh đóng sẽ không tăng, đồng thời, căn cứ điều kiện cụ thể để đẩy nhanh lộ trình giảm, miễn phần học phí do gia đình học sinh đóng góp. Ngân sách địa phương, hoặc ngân sách Trung ương (đối với những địa phương chưa cân đối được ngân sách) sẽ cấp bù phần học phí được miễn, giảm hoặc tăng thêm nhằm bảo đảm nguồn thu cho các trường phổ thông.
Về một số nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT có kế hoạch, hướng dẫn chi tiết đối với việc bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh sau thời gian dài học trực tuyến cho từng lớp học, cấp học; cùng với các địa phương tổ chức tuyển dụng biên chế giáo viên được bổ sung cho thật tốt; theo dõi sát công tác tuyển sinh đại học; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để sớm trình Chính phủ các văn bản cần thiết để thực hiện chủ trương mua sách giáo khoa cho học sinh mượn dùng.
"Bộ GD&ĐT phải sát, chỉ đạo bằng văn bản đối với việc tuyển sinh vào các trường nghệ thuật. Vướng ở đâu, văn bản nào thì chúng ta sẽ tháo gỡ nhưng Bộ phải chỉ đạo các địa phương cho phép các trường nghệ thuật thực hiện tuyển sinh bình thường để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng mong muốn và chúc ngành Giáo dục, toàn thể giáo viên tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, vất vả để xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Xác định hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; tiếp tục triển khai thực Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; với mục tiêu đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trong đó trọng tâm là tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT xác định việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá, là việc ưu tiên trước hết, trong đó triển khai rà soát các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chồng chéo, ban hành thêm cơ chế, chính sách nhằm mở đường, tạo điều kiện cho tự chủ và đổi mới sáng tạo. Coi củng cố và phát triển đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, phổ thông và lực lượng khoa học của các trường đại học là yếu tố mang tính quyết định. Lấy việc hiện đại hóa hạ tầng giáo dục, chuyển đổi số, tăng cường tự chủ trong giáo dục, tăng cường dân chủ trong môi trường học đường, tăng cường yếu tố văn hóa trong môi trường học đường và thu hút các nguồn lực cho giáo dục là những giải pháp cần đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.
Theo Bộ trưởng, trong 12 tháng tới, nhiệm vụ và công việc của ngành hết sức nặng nề. Đặc biệt với giáo dục phổ thông, các cơ sở giáo dục sẽ phải triển khai nội dung chương trình và sách giáo khoa mới cho lớp 3, lớp 7, lớp 10 và cũng trong 12 tháng tới tiến hành thẩm định, in ấn, xuất bản cho các lớp 4, 8, 11; tổ chức triển khai biên soạn cho các lớp 5, 9, 12.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn lãnh đạo các Bộ, ngành địa phương phối hợp tốt cùng ngành Giáo dục đẩy nhanh tiến độ và chuẩn thời gian cho các việc như lựa chọn sách giáo khoa, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, sử dụng thật tốt các chỉ tiêu biên chế mà ngành vừa có để bổ sung nguồn giáo viên. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ cùng các cơ quan tham mưu và toàn thể giáo chức, học sinh, sinh viên ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, sáng tạo không ngừng, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình, để có kết quả cho một năm học mới tốt nhất./.