Quy trình đúng, cán bộ sai?
(ĐCSVN) – Dư luận vừa có phen dậy sóng trước thông tin Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh bị phát hiện sử dụng các văn bằng, chứng chỉ không hợp lệ để thăng tiến. Thêm một lần nữa, những lỗ hổng trong công tác cán bộ lại gây nhức nhối.
Ông Nguyễn Công Thắng giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh ở tuổi 39. Ảnh danviet.vn |
Trong cuộc họp xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, Đảng viên có vi phạm, khuyết điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã đề cập trực tiếp tới nội dung liên quan tới ông Nguyễn Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Cụ thể, để bảo vệ luận án và nhận Bằng Tiến sĩ, trước khi dùng Bằng Tiến sĩ để thi nâng ngạch, ông Thắng đã sử dụng giấy Công nhận văn bằng trình độ Thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp. Nói cách khác, dù vô tình hay cố ý, người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã dùng văn bằng giả để hợp thức hóa các thủ tục trên con đường thăng tiến.
Những vi phạm của ông Thắng đối với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những điều đảng viên không được làm, hay cả trách nhiệm nêu gương là đã rõ. Nhưng chắc chắn, điều khiến người ta quan tâm nhất không chỉ là Quyết định thi hành kỷ luật của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh hay các chỉ đạo từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Quan trọng hơn, một câu hỏi đầy trăn trở nhưng lại không hiếm gặp đã trở lại: Vì sao, quy trình đúng, nhưng cán bộ lại sai?!?
Thực tế, từ cách đây vài năm, báo chí cũng như dư luận cũng đã tỏ ra kinh ngạc trước những bước phát triển “như tên lửa” của cái tên Nguyễn Công Thắng trên chính trường Bắc Ninh. Năm 2007, khi chỉ mới 24 tuổi, ông Thắng từ một Phó Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng Công thương Việt Nam tại Khu công nghiệp Tiên Sơn chuyển sang làm chuyên viên phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh. Chỉ hơn một năm sau, ông đã lần lượt được bổ nhiệm vào vị trí Phó Trưởng phòng rồi Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính. Sau khi làm Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Ninh, cũng chỉ sau đúng 12 tháng, năm 2015, Nguyễn Công Thắng đã trở thành Bí thư Huyện ủy Tiên Du ở tuổi 32. Kể từ lúc này, hàng loạt những chức danh quan trọng đã lần lượt qua tay ông Thắng, như Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Bỏ qua những bằng khen, danh hiệu, danh xưng, người ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về những đóng góp cụ thể của ông Nguyễn Công Thắng trong quá trình công tác. Có lẽ, với ngay cả những người dân Bắc Ninh, những người gần ông nhất, đây cũng sẽ là câu hỏi khó. Bởi trên chính trường, một người ở vào độ tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” đã có được những quyền lực cao đến thế, địa vị đáng trọng như thế, ắt hẳn phải lập được những công trạng không hề đơn giản. Vậy mà nghiệt ngã thay, niềm tin ấy đã bị đánh tráo bởi những tấm bằng giả bôi trơn với đời…
Trong quá khứ, những vụ bổ nhiệm thần tốc “có mùi”, những cuộc trao đổi ghế có độ trùng khớp đáng kinh ngạc, hay cả những hồ sơ cán bộ được lật lại trong ngượng ngùng không phải là ít. Quy trình chưa hợp lý, có thể sửa. Con người có sai, có thể làm lại ở chính nơi mình ngã. Nhưng nếu ai đó cố tình tạo ra sai số để chèn con virus phá hoại vào hệ thống quy trình đã được dày công xây dựng bởi những người đi trước, đó không chỉ là vụ lợi nữa. Đó còn là tư tưởng khôn vặt đầy vô tâm và độc ác, đối với tổ chức, và cả với những người đang ngày đêm phấn đấu bằng chính sức lực của mình.
Theo tư tưởng, lý tưởng, mục tiêu sống và chiến đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước phải “lấy dân làm gốc”. Còn với Đảng, công tác cán bộ cũng có thể xem là cái “gốc” vô cùng quan trọng trong hoạt động phát triển. Làm tốt công tác nhân sự sẽ không chỉ tạo ra sự đoàn kết trong nội bộ, mà còn là động lực để vượt qua mọi khó khăn bằng trí tuệ tập thể. Còn trái lại, nếu không làm rõ được vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trước tình trạng “chuyện đã rồi” khi bổ nhiệm sai, sẽ không bao giờ có thể giải tỏa những băn khoăn, bức xúc của người dân về sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết./.