Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quy định không thống nhất: Lối đi nào cho doanh nghiệp?

Thứ Sáu, 11/11/2022 15:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Một khi không có sự nhất quán, thống nhất trong xử lý chung một công việc giữa các Bộ, ngành thì người chịu thiệt vẫn là người dân, doanh nghiệp. Nếu những vấn đề này không kịp thời được giải quyết, thiệt hại vẫn cứ kéo theo từng ngày, từng tháng,…ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và rộng hơn là của cả một ngành hàng.

 Cần sớm tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng (Ảnh minh họa: B.T)

Mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính về vấn đề tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT. Trong công văn nêu rõ khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT. Theo ước tính, lượng thuế VAT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới con số khoảng 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm doanh nghiệp hiện chưa được hoàn thuế. Có doanh nghiệp có số tiền thuế chưa được hoàn lên tới 200 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp 40-50 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo quy định hiện nay, thời gian hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp là không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ từ doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp không được hoàn thuế từ tháng 4, tháng 5 năm 2022. Một số doanh nghiệp chưa được hoàn thuế từ tháng 1 năm 2022. Thời gian chậm hoàn thuế vượt xa so với quy định hiện hành.

Nguyên nhân được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chỉ ra do bất cập với những quy định khác nhau giữa Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) và Bộ NN&PTNT. Cụ thể, hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại các văn bản: Công văn số 2124/TCT-TTKT ngày 22/5/2020, Công văn số 2928/TCT-TTKT ngày 22/7/ 2020, Công văn số 4569/TCT-TTKT ngày 27/10/ 2020 và Công văn số 429/TCT-TTKT ngày 22/2/ 2021, cụ thể như: Coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế; yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan Công an, Hải quan, Chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.

Các yêu cầu chi tiết của cơ quan thuế về việc xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu của Tổng cục Thuế hiện đang không nhất quán với các quy định có liên quan theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Theo đó, Điều 20 của Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 16/11/2018 về hồ sơ nguồn gốc lâm sản, quy định các doanh nghiệp tham gia mua bán, vận chuyển gỗ rừng trồng trong nước cần có “Bảng chính bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập và bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản do chủ lâm sản bán”. Tuy nhiên, do coi các mặt hàng gỗ có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng là các mặt hàng rủi ro về thuế, dẫn tới chi cục thuế các địa phương kết hợp với chính quyền địa bàn của Chủ rừng đi xác minh “Diện tích rừng trồng là bao nhiêu, có hợp pháp không, có tranh chấp không; Người ký hợp đồng mua bán có đủ hành vi năng lực không; Có đủ năng lực cung cấp hàng không; Gỗ có đủ tuổi để khai thác không?”.

Ngoài ra khi các doanh nghiệp xuất khẩu nộp hồ sơ xin hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế tại nhiều địa phương trả lại hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp phải xác nhận nguồn gốc gỗ nguyên liệu đầu vào trong các mặt hàng xuất khẩu. Cụ thể, cơ quan thuế và các cơ quan liên quan khác đang thực hiện việc xác minh nguồn gốc nguyên liệu tới tận chủ rừng, bao gồm việc yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp sổ đỏ của chủ rừng và cần bên thứ ba là cơ quan kiểm lâm địa bàn hoặc Ủy ban nhân dân xã xác nhận hồ sơ nguồn gốc lâm sản. Điều này cho thấy sự không nhất quán giữa Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT và các quy định của Tổng cục Thuế về xác minh nguồn gốc lâm sản, bao gồm hồ sơ nguồn gốc lâm sản.

Tương tự, không chỉ đối với ngành gỗ, với ngành cao su, tại Hội thảo Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững do Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tổ chức vừa diễn ra sáng 8/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, phản ánh của nhiều doanh nghiệp cho thấy họ đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, từ năm 2021 đến nay, các công ty xuất khẩu cao su chưa được các cơ quan thuế giải quyết về thuế giá trị gia tăng. Số tiền thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn thuế của các doanh nghiệp, nhiều nhất lên tới 70 tỷ đồng. Doanh nghiệp ít thì cũng 20-30 tỷ đồng.

Theo một số doanh nghiệp, ngày 12/6/2013, Bộ Tài chính đã ban hành công văn 7527/BTC-TCT về về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế. Theo đó, các cục thuế địa phương phải kiểm tra các khâu trung gian, tức là phải kiểm tra F1, F2, F3, F4 … Công văn này đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp vì trên thực tế không thể làm được.

Vì vậy, ngày 15/10/2013, Bộ Tài chính đã ban hành công văn 13706/BTC-TCT hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi công văn 7527/BTC-TCT. Theo đó, việc kiểm tra xác minh được thực hiện trong phạm vi 40 ngày và chỉ kiểm tra xác minh đối với người bán hàng trực tiếp doanh nghiệp xuất khẩu để xử lý hoàn thuế. Sau khi Bộ Tài chính ban hành văn bản sửa đổi này, vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng đã được giải quyết.

Tuy nhiên, ngày 7/4/2022, Tổng cục Thuế lại ban hành văn bản gửi các cục thuế địa phương yêu cầu việc kiểm tra các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải kiểm tra các khâu trung gian từ F1, F2 đến Fn. Điều này khiến cho việc hoàn thuế giá trị gia tăng lại bị ách tắc như trước đây.

Chính sự không thống nhất và nhất quán giữa các quy định hiện nay của các Bộ và giữa các Bộ đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và cao su.

“Khó khăn trong khâu hoàn thuế hiện đã dẫn đến thực trạng một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu; một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài trong tương lai, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy của điều này là chuỗi cung gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực” – văn bản của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nêu rõ.

Điều này cho thấy, nếu việc hoàn thuế khó khăn kéo dài, việc ảnh hưởng đến hoạt động, doanh thu của các công ty xuất khẩu là điều hiển nhiên và lâu dài là ảnh hưởng đến kết quả sản xuất của cả một ngành hàng. Trong khi đó, gỗ và cao su hiện nay đã và đang là các mặt hàng “tỷ đô”, 10 tháng năm 2022 đã có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD. Đặc biệt với mặt hàng gỗ, giá trị xuất khẩu chiếm giá trị lớn (gỗ và lâm sản đạt trên 15 tỷ USD trong năm 2021), đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và thặng dư xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, việc chồng chéo, cùng một việc nhưng nhiều Bộ, ngành có những quy định khác nhau đã gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi những khó khăn này chưa sớm được tháo gỡ, “cởi trói” thì thiệt hại về kinh tế mà doanh nghiệp phải gánh chịu là rất lớn.

Hiện nay, Chính phủ vẫn đang không ngừng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân sản xuất, hoạt động theo hướng thông thoáng, thuận lợi nhất. Trong lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối điều hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, khuyến khích phát triển và đổi mới sáng tạo”.

Điều này càng cho thấy, việc xây dựng các thủ tục hành chính cần làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo sự thông thoáng, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển. Chính vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn, sớm hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp là vấn đề cần được các Bộ, ngành lắng nghe, thấu hiểu và nhanh chóng giải quyết để tránh các thiệt hại cho doanh nghiệp. Từ đó, giúp các doanh nghiệp sớm có nguồn vốn xoay vòng, tái tạo, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra các giá trị cho bản thân doanh nghiệp và xã hội.

Thực tế cho thấy, một khi không có sự nhất quán, thống nhất trong xử lý chung một công việc giữa các Bộ, ngành thì người chịu thiệt vẫn là người dân, doanh nghiệp. Nếu những vấn đề này không được tháo gỡ thì làm sao chúng ta thúc đẩy được sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân – lực lượng hàng giờ, hàng ngày đang tạo ra giá trị sản phẩm lớn cho đất nước, xã hội.

Công bằng mà nói, để hướng dẫn giải quyết một công việc, một vấn đề nào đó cũng do con người đề ra quy định, thì việc đề ra các yêu cầu, quy định cũng cần đảm bảo sự thống nhất, nhất quán để giải quyết được một công việc. Không thể cùng một việc mà giữa các Bộ, ngành “ông nói một đằng, bà nói một nẻo”, thì người dân đứng ở giữa “biết làm sao?”. Bên cạnh đó, việc đề ra các quy định cũng cần bám sát với thực tiễn cuộc sống, tính khả thi có thực hiện được hay không?. Chỉ khi đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào chính sách, pháp luật, cân bằng hài hòa chúng ta mới có thể đưa các quy định tạo ra được giá trị cho đời sống người dân, cho xã hội.

Để không còn những văn bản kiến nghị như vậy từ các Hiệp hội về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng hay một số vấn đề khác còn liên quan đến sự chồng chéo quy định giữa các Bộ, ngành, thiết nghĩ, giữa các Bộ, ngành cần có sự tăng cường hợp tác, trao đổi, cùng thống nhất giữa các vấn đề liên quan để khi đưa ra các văn bản quy định cần phù hợp cùng nhau, nhất quán với nhau, để không gây khó khăn bất cứ một ngày nào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Muốn vậy, khi nghiên cứu đưa ra các văn bản, các đơn vị cũng cần cập nhật các văn bản liên quan khi đã có quy định từ các cấp, các ngành khác từ trước, tránh mỗi cơ quan có một yêu cầu khác nhau cho cùng một vấn đề, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp./.

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN