Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quỹ Bảo hiểm y tế là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS

Thứ Tư, 23/11/2022 14:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Quỹ Bảo hiểm y tế là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với 95% người nhiễm HIV tham gia Bảo hiểm y tế (tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm). Đến nay, trung bình mỗi năm, Quỹ chi trả 400 tỷ đồng, trong đó khoảng 200 tỷ đồng cho dịch vụ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế và 200 tỷ đồng cho thuốc ARV từ nguồn quỹ Bảo hiểm y tế.

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức “Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam” để tổng kết, đánh giá, ghi nhận những thành tựu đạt được trong chặng đường 10 năm. Qua đó vận động Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và định hướng các giải pháp đảm bảo tài chính nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Ngày 15/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 1899/QĐ-TTg phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, có thể nói đến nay, HIV/AIDS là chương trình y tế duy nhất tại Việt Nam có riêng một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn về cơ chế cho việc đảm bảo tài chính. Đề án đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp đảm bảo tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS một cách căn bản và chiến lược, với nhiều nhóm giải pháp từ huy động các nguồn tài chính tới quản lý, sử dụng chương trình hướng tới hiệu quả.

Thực hiện Quyết định này, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng lộ trình thực hiện các giải pháp; hướng dẫn, đôn đốc và hỗ trợ các tỉnh, thành phố phổ biến, triển khai và xây dựng kế hoạch đảm bảo tài chính cho cả giai đoạn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Hà Phương 

Qua 10 năm nỗ lực không ngừng với cam kết chính trị mạnh mẽ của chính quyền các cấp từ trung ương đến các tỉnh, thành phố; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trong quá trình xây dựng các cơ chế chính sách; sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các nhà tài trợ, Việt Nam đã thực hiện tiến trình chuyển đổi các nguồn lực tài chính trong nước cho công tác HIV/AIDS với nhiều kết quả ấn tượng.

Tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước tăng tới hơn 51%. Trong đó, tỷ trọng ngân sách địa phương phân bổ cho phòng, chống HIV/AIDS không ngừng tăng lên qua các năm (từ 8% lên gần 17% trong giai đoạn 2013-2020).

Quỹ Bảo hiểm y tế là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với 95% người nhiễm HIV tham gia Bảo hiểm y tế (tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm). Quỹ Bảo hiểm y tế đến nay trung bình chi trả 400 tỷ đồng/năm, trong đó khoảng 200 tỷ đồng cho dịch vụ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế và 200 tỷ đồng cho thuốc ARV nguồn quỹ Bảo hiểm y tế; nâng tỷ trọng của Quỹ Bảo hiểm y tế trong tổng chi cho HIV/AIDS từ 4% lên tới 9%, chiếm tới 25% nguồn lực trong nước cho HIV.

Ngân sách nhà nước Trung ương thông qua Chương trình quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, dự án phòng, chống HIV/AIDS thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia y tế dân số giai đoạn vừa qua cũng đã tập trung nguồn lực để hỗ trợ các tỉnh, thành phố thực hiện các mục tiêu của chiến lược và chiếm tới gần 10%. Các nguồn xã hội hóa khác cũng tăng đáng kể lên tới 8%, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ.

Tuy vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng nêu rõ những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt để đảm bảo nguồn lực và chuyển giao tài chính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đó là nguồn lực huy động dự kiến trong giai đoạn 2021-2030 mới chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu. Tình hình dịch đang có xu hướng phức tạp; số người nhiễm HIV được báo cáo tăng trong 3 năm trở lại đây. Nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% các dự án quốc tế.

Các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV hiện Quỹ Bảo hiểm y tế chưa chi trả; nhiều địa phương còn lúng túng trong lập dự toán cũng như phê duyệt chi ngân sách cho các hoạt động…

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị: Với 12 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch hoặc đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, cần khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch. Các địa phương đã có đề án cần bố trí đủ kinh phí theo kế hoạch, có hướng dẫn cũng như phê duyệt các nội dung và định mức chi tiêu cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Các đơn vị liên quan phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo việc cung ứng thuốc ARV nguồn Bảo hiểm y tế được liên tục và ổn định, đảm bảo quyền lợi của người có thẻ Bảo hiểm y tế.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các Vụ, Cục có liên quan trong Bộ trình Chính phủ cơ chế và hành lang pháp lý thực hiện mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ các tổ chức cộng đồng; tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để phát huy hiệu quả cung cấp dịch vụ trong giai đoạn tới./.

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN