Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quốc hội yêu cầu xử lý sai phạm, tiêu cực ở các dự án gây lãng phí

Thứ Ba, 15/11/2022 15:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; gần 900 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.

Chiều 15/11, với 487 đại biểu (chiếm 97,79% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đấtđầu tư, đấu thầu

Quốc hội đánh giá, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.

Đáng chú ý là có nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất kéo dài, nhưng chậm được khắc phục, xử lý; diện tích đất chưa sử dụng, để hoang hóa tại nhiều dự án… Cơ cấu tổ chức bên trong bộ, ngành và một số chính quyền địa phương còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chồng chéo, chưa hợp lý trong chức năng, nhiệm vụ. 

Phát động cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn quốc 

Nghị quyết đề ra nhiệm vụ, giải pháp chung: Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. 

Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Nghị quyết. (Ảnh: QH) 

Tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm minh, kịp thời, trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

“Từ năm 2023, phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, Nghị quyết nêu rõ.

Làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí 

Tại Nghị quyết, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch giám sát hằng năm. Nghiên cứu lồng ghép một số nội dung giám sát chuyên sâu việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào kế hoạch, nội dung các cuộc giám sát chuyên đề theo các kế hoạch của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan trong năm 2023 hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021; báo cáo rõ kết quả rà soát phát hiện các vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng bộ, ngành, địa phương; Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất; Phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc và 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng và các tồn tại, hạn chế khác.

“Trong năm 2023, đánh giá và có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể giải quyết các dự án sử dụng vốn nhà nước thua lỗ tại các doanh nghiệp. Làm rõ trách nhiệm và kết quả xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, gây ra thua lỗ, thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các nguồn vốn nhà nước khác”, Nghị quyết nêu rõ.

Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trước năm 2025

Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

“Trước năm 2025 hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo các pháp luật chuyên ngành một cách đồng bộ, bảo đảm kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ, Quốc hội để làm cơ sở theo dõi, quản lý chặt chẽ các nguồn lực”, Nghị quyết nhấn mạnh.

Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản. Nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ kết luận thanh tra để sớm thu hồi, xử lý tài sản thất thoát, lãng phí và kịp thời xử lý, khắc phục hậu quả, cũng như đưa các tài sản, nguồn vốn sớm vào khai thác, sử dụng. 

Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, thi hành các bản án để sớm thu hồi các tài sản nhà nước bị thất thoát, lãng phí…/.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN