Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quốc hội Nhật Bản thông qua luật cho phép Nhật hoàng Akihito thoái vị

Thứ Sáu, 09/06/2017 16:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Ngày 9/6, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành luật cho phép Nhật hoàng Akihito (A-ki-hi-tô) chuyển giao vương vị cho Thái Tử Naruhito (Na-rư-hi-tô). Như vậy, Nhật hoàng Akihito sẽ là vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản thoái vị trong khoảng 2 thế kỷ qua.

Nhật hoàng Akihito (phải) và Thái tử Naruhito tại một sự kiện ở Tokyo ngày 2/1/2015. Ảnh: AFP/TTXVN

Luật mới cho phép việc thoái vị chỉ áp dụng đối với Nhật hoàng hiện tại nhưng không giải quyết vấn đề thiếu các thái tử kế vị cũng như việc giảm số lượng thành viên hoàng tộc. Thay vào đó, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một giải pháp không mang tính bắt buộc, yêu cầu chính phủ nhanh chóng xem xét làm cách nào để đảm bảo sự kế vị ổn định bằng những biện pháp như cho phép các công chúa tạo ra các nhánh gia đình của riêng mình trong hoàng tộc sau khi họ kết hôn. Tuy nhiên, giải pháp này không đề cập tới thời hạn chót để chính phủ thông báo kết quả thảo luận lên Quốc hội. Theo luật Hoàng gia Nhật Bản năm 1947, các công chúa kết hôn với thường dân phải từ bỏ địa vị hoàng gia.

Với việc ban hành luật mới này, Nhật hoàng Akihito sẽ hoàn tất việc thoái vị và truyền ngôi trong vòng 3 năm kể từ sau khi luật này có hiệu lực. Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc lựa chọn thời điểm thoái vị của Nhật hoàng, có thể vào tháng 12/2018, khi vị hoàng đế này bước sang tuổi 85.

Hồi tháng 6 năm ngoái, Nhật hoàng Akihito đã bày tỏ nguyện vọng thoái vị do tuổi tác, tình hình sức khỏe không đảm bảo. Nhật hoàng Akihito năm nay 83 tuổi, lên ngôi năm 1989 sau khi vua cha là Nhật hoàng Hirohito (Hi-rô-hi-tô) băng hà. Trong suốt thời gian trị vì, Nhật hoàng Akihito luôn được nhân dân kính trọng, yêu mến. Dù không nắm trong tay quyền lực chính trị, nhưng Nhật hoàng vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng như một biểu tượng quốc gia, đồng thời chủ trì việc tiếp đón các nguyên thủ tới Nhật Bản, cũng như thực hiện các chuyến công du nước ngoài để thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Nhật Bản./. 

Theo TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN