Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng Trị: Tiếp tục nỗ lực chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị

Thứ Năm, 07/11/2024 21:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Xác định chuyển đổi số là một xu thế tất yếu khách quan diễn ra ở mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, thời gian qua, các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Quảng Trị đã xem đây là vấn đề quan trọng và cần thiết bởi chuyển đổi số thành công sẽ góp phần hiện đại hóa, dân chủ hóa các hoạt động trong công tác Đảng hiện nay.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy về “Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Quảng Trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động các cơ quan, đơn vị và đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo đó, chỉ số đánh giá chuyển đổi số của tỉnh được cải thiện qua từng năm và đến nay đã tăng 5 bậc so với năm 2020 và tăng 22 bậc so với năm 2019.

 Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của tỉnh Quảng Trị được cải thiện qua từng năm và đến nay đã tăng 5 bậc so với năm 2020 và tăng 22 bậc so với năm 2019.

Nghị quyết số 02-NQ/TU xác định rõ: Đẩy mạnh việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp; phát triển mạnh kinh tế số và xã hội số; hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh nói chung và trong các cơ quan khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể nói riêng, đã đạt được các kết quả tích cực, có mặt nổi trội, cụ thể là: Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội và là cơ hội để tỉnh Quảng Trị bứt phá. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng trị đã ban hành các Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch chuyên đề về chuyển đổi số với hơn 40 nhiệm vụ cụ thể, trên cả 3 trụ cột chính gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 10% và đến năm 2030, chiếm khoảng 15% tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP); từng bước nâng thứ hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) vào nhóm khá của cả nước.

Tỉnh Quảng trị xác định năm 2024 là năm “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng các cấp hành chính trên địa bàn tỉnh, hoàn thành và đưa vào sử dụng kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa tỉnh và Trung ương để khai thác dữ liệu nhằm tạo ra các giá trị mới phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội rất nỗ lực trong đón đầu công nghệ, ứng dụng công nghệ 4.0. Nổi bật là vận hành cổng thông tin điện tử MTTQ Việt Nam tỉnh và Cổng thông tin cứu trợ thiện nguyện tỉnh; xây dựng các trang fanpage của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh; Ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội trong nhiều hoạt động của Tỉnh đoàn, khai thác triệt để trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ.

Nhiều cách làm hay, kết quả tốt

Những năm gần đây, huyện uỷ Vĩnh Linh được đánh giá là lá cờ đầu trong thực hiện tốt việc chuyển đổi số tại tỉnh Quảng Trị. Theo Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh, đơn vị đã ban hành nhiều Kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn huyện. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy đảng chỉ đạo quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và các chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 Đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị, phát biểu tại Hội thảo "Chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội: Thực trạng và giải pháp".

Nhờ vậy, đến nay, việc thực hiện chuyển đổi số ở các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể: 100% các văn bản, tài liệu, báo cáo phát hành chính thức (có nội dung không mật) đều được ký số, xử lý, gửi, nhận trên môi trường số; 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp tài khoản và sử dụng hộp thư điện tử công vụ. Nhằm tạo lập bản sao tài liệu dưới dạng điện tử để phục vụ khai thác, thay cho sử dụng tài liệu gốc và góp phần kéo dài tuổi thọ tài liệu gốc.

Ngoài ra, đơn vị này đã làm tốt công tác quản lý đảng viên, trong đó có việc quản lý cơ sở dữ liệu đảng viên trên máy vi tính, phục vụ công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đạt hiệu quả cao. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, đã có 3 Hội nghị trực tuyến từ Ban Tuyên giáo Trung ương; 1 Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện mở rộng theo hình thức trực tuyến đến các xã, thị trấn; 1 lớp thí điểm mở lớp bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho 130 cán bộ, đảng viên đối tượng 5 trên internet… Huyện ủy cũng đã làm tốt ứng dụng mã quét QR-Code trong cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ tại các hội nghị cũng được thực hiện thường xuyên.

Theo đồng chí Nguyễn Quốc Toản, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị, Tỉnh đoàn đã xây dựng các nhóm chỉ đạo, điều hành, thông tin nhanh giữa Đoàn cấp tỉnh và cấp huyện, Đoàn cấp huyện và Đoàn cơ sở, giữa Đoàn cơ sở và các chi đoàn; triển khai ứng dụng “Thanh niên Việt Nam”, ứng dụng nền tảng Zalo trong điều hành công việc, tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tuyến thông qua các nền tảng: Zoom, Google Meet, Webex,... thay thế phương thức hội họp truyền thống vừa đổi mới phương thức, lề lối làm việc. “Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số diễn ra sâu rộng và đạt nhiều kết quả tích cực trên lĩnh vực công tác tuyên truyền của Đoàn. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội trong nhiều hoạt động của Đoàn - Hội - Đội, khai thác triệt để trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ, đặc biệt trên fanpage Tỉnh đoàn Quảng Trị...”, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị chia sẻ.

Theo đồng chí Trần Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị, trong năm 2024, Hội LHPN các cấp xác định khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin” và chủ đề năm “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”, thể hiện quyết tâm trong việc thúc đẩy hành trình chuyển đổi số trong tổ chức Hội.

Hành trình chuyển đổi số của các cấp Hội LHPN Quảng Trị được thể hiện trên một số phương diện như: Tập trung đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 48 lớp tập huấn nâng cao khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ số, internet cho cán bộ Hội, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý cán bộ, hội viên, phần mềm thi đua khen thưởng cho cán bộ Hội các cấp (trong đó có 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp). Ứng dụng CNTT để tổ chức 16 lớp tập huấn trực tuyến, ứng dụng phần mềm Google Meet để tổ chức các buổi sinh hoạt theo chuyên đề (“Giỏi kỹ năng, vững nghiệp vụ”; “Ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội và tiếp cận ứng dụng nộp hồ sơ qua hệ thống trực tuyến công”; Hội nghị chuyên đề “Chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương và nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm”…) cho Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở…  “Hội chúng tôi luôn lấy việc ứng dụng công nghệ làm cơ sở, điều kiện, tiền đề để Hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động”, đồng chí Trần Thị Thúy Nga nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo "Chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội: Thực trạng và giải pháp" diễn ra gần đây, đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị, cho biết, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã kịp thời tổ chức phổ biến, quán triệt các văn bản Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số và ban hành đồng bộ các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, tạo ra đường hướng và xác định lộ trình chuyển đổi số rõ ràng, cụ thể, khả thi cho từng năm và cả giai đoạn đến năm 2030.

Đồng thời, thời gian qua, nhận thức và hành động về chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, người lao động trong từng cơ quan, đơn vị có nhiều chuyển biến, góp phần thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, từng bước thay đổi thói quen và lề lối làm việc truyền thống, chuyển sang phong cách làm việc hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, tiết kiệm chi phí, thời gian...

“Kết quả ngày hôm nay mới chỉ là bước đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội một cách hiệu quả, thực chất, thường xuyên và đồng bộ đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi trong phương thức quản lý, vận hành”, đồng chí Nguyễn Đăng Quang nêu rõ./.

Bài, ảnh: Hoàng Oanh - Lê Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN