Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng Ninh: Triển vọng mô hình trồng ba kích ở Đồng Sơn

Thứ Hai, 14/12/2015 17:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Xã Đồng Sơn (Hoành Bồ) bắt đầu đưa cây ba kích tím vào trồng từ năm 2011. Mô hình trồng ba kích tím dưới tán rừng tự nhiên ở đây hiện đang phát triển tốt, mang lại nhiều triển vọng về một hướng đi giúp người dân Đồng Sơn thoát nghèo bền vững.

Người dân thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn (Hoành Bồ) chăm sóc cây ba kích tím dưới tán rừng tự nhiên

 Từ trung tâm xã Đồng Sơn di chuyển hơn 3km là đến khu vực trồng cây dược liệu tập trung của xã. Đây là vùng có diện tích rừng tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại cây dược liệu bao gồm ba kích và các loại lá thuốc nam của người Dao. Đồng chí Bùi Hữu Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn cho biết: Trước đây, ba kích mọc tự nhiên trong rừng khá nhiều nhưng do người dân khai thác đã khiến loài dược liệu quý này dần cạn kiệt. Trong quá trình xây dựng quy hoạch nông thôn mới, trên cơ sở điều kiện về đất đai, khí hậu và có tán rừng tự nhiên thuận lợi, phù hợp nên UBND xã Đồng Sơn đã xây dựng quy hoạch vùng trồng cây dược liệu tập trung tại thôn Tân Ốc 2. Trong đó, riêng cây ba kích tím được quy hoạch trồng trong diện tích 20ha dưới tán rừng tự nhiên.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, từ 3ha đầu tiên trồng ba kích tím (năm 2011) đến nay diện tích trồng ba kích của xã Đồng Sơn đã lên tới 15ha với 17 hộ tham gia. Người dân tham gia mô hình này sẽ được hỗ trợ 100% cây giống ban đầu và hỗ trợ phân bón cho đến năm thứ 3. Chị Lý Thị Loan, thôn Tân Ốc 2, một trong 17 hộ trồng ba kích tím ở Đồng Sơn cho biết: Ngoài 3ha rừng trồng keo, từ năm 2012 khi xã triển khai làm mô hình trồng ba kích thì gia đình chúng tôi cũng xin tham gia. Quá trình trồng chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, các hộ tham gia mô hình thì phân công nhau chăm sóc cây cho tốt. Chúng tôi thấy trồng cây ba kích tím dưới tán rừng tự nhiên kỹ thuật trồng, chăm sóc không khó lắm. Trung bình mỗi năm làm 3 vụ cỏ, làm giàn, vun gốc, bón phân cho cây… Còn ông Linh Du Hương, thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn chia sẻ: Ban đầu, chúng tôi đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng ba kích và trong quá trình chăm sóc cũng tự rút ra kinh nghiệm cho mình. Hiện tại những cây ba kích phát triển ở năm thứ 4 đều bắt đầu cho củ rất tốt. Bà con ở đây ai cũng hy vọng cây ba kích sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với những cây trồng khác và sẽ được phát triển mở rộng diện tích hơn nữa.

Cây ba kích tím được trồng dưới tán rừng tự nhiên không tốn nhiều lượng phân bón song thời gian chăm sóc khá dài, mất từ 6-7 năm mới cho thu hoạch. Tuy nhiên, ba kích để càng lâu năm thì sản lượng, chất lượng dược liệu càng tốt, được thị trường ưa chuộng và giá bán cao hơn so với ba kích trồng thâm canh. Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục mở rộng thêm 5ha diện tích trồng ba kích trong vùng sản xuất dược liệu tập trung. Đồng thời xây dựng sản phẩm ba kích tím, lá tắm người Dao trở thành những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Về vấn đề đầu ra cho sản phẩm ba kích và lá tắm người Dao cũng khá khả quan. Hiện tại đã có một số đơn vị đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ sản phẩm ba kích tím và trên địa bàn xã cũng đang chuẩn bị có một dây chuyền chiết xuất dược liệu, giải quyết “đầu ra” cho sản phẩm lá tắm người Dao. Đối với xã vùng cao đặc biệt khó khăn như Đồng Sơn, cây ba kích tím cùng với cây keo và việc phục hồi cây thuốc nam đã góp phần mở thêm một hướng phát triển kinh tế mới cho đồng bào nơi đây.

(Theo Phương Thuý- Báo QN)

 

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN