Quảng Nam triển khai hiệu quả công tác cấm đánh bắt tại các vùng biển nước bạn
(ĐCSVN) - Quảng Nam là một trong những tỉnh ven biển có số lượng tàu đánh bắt, khai thác và dịch vụ phục vụ hậu cần nghề cá khá lớn với hơn 2.730 tàu, trên 381.500 CV. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo cấm đánh bắt tại các vùng biển nước bạn theo khuyến cáo, kiến nghị của EC về IUU, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và mang lại nhiều kết quả tích cực.
Từ những nỗ lực trong việc nghiêm cấm đánh bắt vi phạm vùng biển nước bạn, đến nay cộng đồng ngư dân Quảng Nam đã không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm để góp phần xây dựng ngành thuỷ sản Việt Nam hiệu quả, bền vững. |
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Quảng Nam, từ năm 2023 đến tháng 3/2024, Quảng Nam không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý. Tuy nhiên, một số ít tàu cá trong quá trình khai thác thủy sản vùng khơi, vùng giáp ranh giới cho phép khai thác thủy sản trên biển thường xuyên nhận được cảnh báo từ Trung tâm Thông tin thủy sản, Chi cục Thủy sản Quảng Nam, lực lượng Biên phòng và các lực lượng liên quan thông báo ngay cho các chủ tàu, thuyền trưởng có dấu hiệu vi phạm nhanh chóng rời khỏi vùng biển thuộc khu vực cảnh báo.
Để có được kết quả trên, lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, ngành này đã phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng và các cấp chính quyền địa phương thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích, khuyến cáo, động viên ngư dân, nhất là chủ các phương tiện đánh bắt xa bờ không vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây cũng là những chỉ đạo, yêu cầu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để ngành Nông nghiệp và các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp ở cơ sở thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện nghiêm công tác chống khai thác IUU theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
Các cấp chính quyền và ngành chức năng tại Quảng Nam luôn đồng hành với ngư dân, từ đó kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn trong thực hiện các kiến nghị của EC về IUU. |
Trong công tác tuyên truyền, các cấp, các ngành và lực lượng chức năng của tỉnh luôn quan tâm kết hợp bằng nhiều hình thức để bà con ngư dân hiểu, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác không đánh bắt vi phạm các vùng biển nước ngoài; đồng thời giáo dục, phổ biến pháp luật được thực hiện rộng rãi trong cộng đồng ngư dân và duy trì thường xuyên.
Gắn với tuyên truyền, công tác quản lý địa bàn, theo dõi, nắm tình hình trong ngư dân được các cấp chính quyền và ngành chức năng thực hiện khá tốt. Trong khi đó, công tác điều tra, xác minh thông tin đối tượng vi phạm vùng biển nước ngoài được tổ chức thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định. Đồng thời với đó, Quảng Nam cũng quan tâm triển khai khá tốt việc thực hiện quy định lắp đặt thiết bị giám sát trên tàu cá theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP với tỷ lệ lắp đặt hiện đạt trên 99,2% số tàu cá của tỉnh.
Thời gian qua ngoài những nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền, động viên, giải thích và kết hợp nhiều giải pháp khác như đã nói, các lực lượng chức năng tại tỉnh Quảng Nam cũng rất quyết liệt trong xử lý vi phạm các quy định có liên quan như: Tàu cá mất kết nối VMS, tàu cá vượt ranh giới trên biển, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản…
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, riêng trong xử lý vi phạm tàu cá mất kết nối VMS, địa phương đã phân loại theo thời gian bị mất kết nối để xử lý.
Tuyên truyền, động viên thuyết phục gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên biển để ngăn ngừa các vi phạm theo kiến nghị của EC về IUU. |
Về xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, theo UBND tỉnh Quảng Nam, từ năm 2023 đến 3/2024, Sở NN& PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức các cuộc kiểm tra, kiểm soát quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; quy định về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá; quy định về giấy phép khai thác thủy sản; quy định về nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản...
Đối với việc kiểm tra tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng qua cảng, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương có 02 cảng Loại II là cảng An Hòa và cảng cá Tam Quang. Các tàu cá cập cảng, rời cảng tại các cảng cá trên được kiểm soát chặt chẽ; sản lượng thủy sản khai thác lên hàng qua cảng đa số được giám sát, kiểm tra, lập hồ sơ đúng theo quy định, đảm bảo phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác qua cảng.
Về kết quả cấp chứng nhận khai thác thủy sản, UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, từ năm 2020 đến tháng 3/2024, địa phương chưa có đề nghị của tổ chức, cá nhân thu mua, xuất khẩu thủy sản nên tỉnh chưa phát sinh hồ sơ chứng nhận nguyên liệu thủy sản khai thác./.