Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng Nam: Tổng kết công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Thứ Tư, 29/06/2016 14:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Sáng 29/6, Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.


Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Nam 
Đinh Văn Thu báo cáo tổng kết công tác bầu cử tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thành công tốt đẹp, đạt được các yêu cầu đề ra, đặc biệt là đã đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm; đã lựa chọn được những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Với 1.135.790/1.136.188 cử tri đi bầu, đạt tỷ lệ 99,97%, trong đó có 14/18 huyện có tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 100%, Quảng Nam là một trong những địa phương có tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao trong cả nước. Quảng Nam cũng là tỉnh đã bầu đủ số lượng Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện (chỉ thiếu 01 đại biểu tại huyện Tiên Phước); nhiều đại biểu trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu cao.

Theo Ủy ban bầu cử tỉnh, có được kết quả trên là do các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tốt công tác tập huấn, trưng tập cán bộ xuống cơ sở triển khai công tác bầu cử, tổ chức tốt công tác tuyên truyền và chuẩn bị kinh phí, cơ sở vật chất, kỹ thuật. Công tác tổ chức Hội nghị hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập và niêm yết danh sách cử tri được thực hiện đảm bảo quy trình và thời gian quy định. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, một số tồn tại, hạn chế cũng được Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Nam và các đại biểu dự Hội nghị chỉ ra như: Công tác rà soát, lập danh sách cử tri ở một số nơi thực hiện chưa đồng bộ, thiếu khoa học; nhiều nơi niêm yết danh sách cử tri còn sơ sài cả về nội dung lẫn hình thức; một số nơi chưa làm tốt công tác hiệp thương, công tác nhân sự giới thiệu người ra ứng cử; một số địa phương chưa làm tốt công tác tổ chức tiếp xúc giữa người ứng cử và cử tri…

Hội nghị cũng nhận định, công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử cũng chưa sâu rộng; cổ động trực quan mới chỉ tập trung ở khu vực trung tâm; sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội còn hạn chế. Một số khu vực bỏ phiếu, tổ bầu cử còn lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ, một số nơi còn đóng nhầm dấu trên phiếu bầu. Công tác thống kê, báo cáo chưa kịp thời, chính xác….

Quang cảnh tại Hội nghị

Trên cơ sở phân tích, đánh gia những kết quả và hạn chế, Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Nam cũng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm để làm cơ sở cho những cuộc bầu cử sau này.

Dịp này, Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Nam cũng đã biểu dương, khen thưởng 14 tập thể, 37 cá nhân đã có những đóng góp tích cực, góp phần tạo thành công cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra vừa qua.


Tham gia cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Quảng Nam có 1.135.790 cử tri đi bầu cử; đã bầu được 08 người trúng cử vào Quốc hội khóa XIV tại 03 đơn vị bầu cử Quốc hội trên địa bàn, với cơ cấu, thành phần gồm: Tuổi trung bình 51,5 tuổi; Trình độ văn hóa và chuyên môn: 03 đại học (37,5%), 05 thạc sỹ (62,5%). Trình độ lý luận chính trị: 01 cử nhân (12,5%), 07 cao cấp (87,5%)...

HĐND tỉnh có 60 người trúng cử, với thành phần, cơ cấu gồm: Nữ 12 người (20%), dân tộc thiểu số 06 người (10%), dưới 35 tuổi 02 người (3,3%), ngoài Đảng 03 người (5%), tái cử 18 người (30%), tôn giáo 01 người (1,7%), đại học 42 người (70%), sau đại học 18 người (30%).

Đối HĐND cấp huyện có 583 đại biểu trúng cử với cơ cấu, thành phần như sau: Nữ 138 người (23,67%), dân tộc thiểu số 108 người (18,52%), dưới 35 tuổi 66 người (11,32%), ngoài Đảng 18 người (3,1%), tái cử 240 người (41,16%), tôn giáo 08 người (1,38%), đại học 478 người (82%), sau đại học 61 người (10,50%).

Với HĐND cấp xã, có 6.125 đại biểu trúng cử, trong đó nữ 1.411 người (23%), dân tộc thiểu số 1.233 người (20,01%), dưới 35 tuổi 2.188 người (35,72%), ngoài Đảng 728 người (11,89%), tái cử 3.242 người (52,90%), tôn giáo 33 người (0,54%), đại học 2.227 người (36,36%), sau đại học 61 người (1,01%).

 

Tin, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN