Quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng
(ĐCSVN) - Phát biểu đề dẫn Tọa đàm khoa học: 70 năm tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (tháng 6/1949 - tháng 6/2019), PGS,TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh cho biết: Tọa đàm là cơ hội học tập, quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng...
Nhân kỷ niệm 70 năm ra đời Tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14/6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học: 70 năm tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (tháng 6/1949 - tháng 6/2019).
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Tọa đàm là cơ hội học tập, quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; kiên quyết chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo PGS,TS Lê Quốc Lý, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Các đại biểu, nhà khoa học tham dự Tọa đàm đã tập trung thảo luận, làm rõ quan điểm Hồ Chí Minh về các chuẩn mực đạo đức: Cần, kiệm, liêm, chính; đồng thời nhấn mạnh: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần, kiệm, liêm, chính là những chuẩn mực đạo đức cơ bản không thể thiếu của mỗi con người. Xuất phát từ vai trò, vị trí của người cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng; cán bộ có vai trò quyết định đến sự thành bại của cách mạng, cho nên, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính; đó vừa là các phẩm chất nền tảng, vừa là tiêu chí hàng đầu mà mỗi cán bộ phải tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên.
Các đại biểu cũng thống nhất quan điểm: “Cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng của đạo đức cách mạng, cái gốc của người cán bộ, đảng viên. Đạo đức là nền tảng của người cán bộ, trong đó phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính là cốt lõi. Điều đó lý giải, ngay từ năm 1972, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Hồ Chí Minh đã nêu 23 tiêu chí đạo đức của người cách mạng, được đặt trong 3 mối quan hệ: với mình, với người và với công việc. Đó là các phẩm chất cốt lõi của người cán bộ cách mạng, để cán bộ, đảng viên không gục ngã trước mọi thủ đoạn nham hiểm của kẻ địch, không bị sa ngã trước những cám dỗ; có những phẩm chất đó, cán bộ có thái độ và hành vi đúng trong xử thế với bản thân mình, với tổ chức, với đồng chí và quần chúng nhân dân, như vậy mới đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
PGS,TS Lê Quốc Lý cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ý nghĩa của tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” vẫn còn nguyên vẹn. Những quan điểm chỉ đạo của Hồ Chí Minh thể hiện trong tác phẩm chứa đựng những chỉ dẫn hết sức quý báu, có giá trị to lớn, sâu sắc, toàn diện cả về lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, tác phẩm là sự thể hiện sinh động tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, về vai trò của cần, kiệm, liêm, chính trong xây dựng Đời sống mới, trong phong trào Thi đua ái quốc; là sự khẳng định vai trò gốc rễ, nền tảng của đạo đức cần, kiệm, liêm, chính trong đời sống xã hội, trong rèn luyện cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tham luận tại Tọa đàm, GS,TS Mạch Quang Thắng (Viện Lịch sử Đảng) cho biết: Nói về “Cần kiệm liêm chính”, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần đề cập đến một số điểm gắn với bối cảnh hiện nay. Theo đó, về “cần” có hai điểm Bác Hồ nhấn mạnh. Đó là cần tăng năng suất lao động, làm việc có hiệu quả. Hiện nay, muốn tăng năng suất lao động phải lấy đổi mới công nghệ làm trọng tâm. Tuy nhiên, công nghệ hiện đại mà giao cho con người lười biếng, không có đạo đức thì cũng không phát huy hiệu quả. Do đó, yếu tố con người vẫn là điều kiện tiên quyết rồi mới đến yếu tố công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, chữ “cần” còn mang hàm nghĩa kết quả vững chắc; gắn với tình hình hiện nay là tăng trưởng kinh tế phải đi liền với bảo vệ môi trường. Cũng theo GS,TS Mạch Quang Thắng, chữ “kiệm” không chỉ mang nghĩa là tiết kiệm mà còn là biết tính toán hiệu quả kinh tế, những việc cần chi vẫn phải chi, không hà tiện, bủn xỉn, không lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân.
Còn theo PGS,TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Xây dựng Đảng, trong các bài viết của mình, Bác Hồ đề cập rất nhiều đến vấn đề đạo đức trong xây dựng Đảng. “Hiện nay, chúng ta đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đạo đức trong xã hội, trong xây dựng Đảng, trong đó những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức nói chung và đạo đức của cán bộ, đảng viên có giá trị rất lớn về mặt lý luận”, PGS,TS Nguyễn Minh Tuấn cho hay.
Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến của các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu nêu rõ: Bên cạnh những thành tựu đạt được của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, hiện với sự tác động của toàn cầu và mặt trái của kinh tế thị trường đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ thực tiễn đó cho thấy những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 70 năm trong tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Quán triệt tư tưởng của Người, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo phải nêu gương thực hành cần, kiệm, liêm, chính, kiên quyết chống tệ tham nhũng, quan liêu, xa dân; chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, luôn tôn trọng lẽ phải, thực hiện công bình chính trực, sống có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân và với chính mình, vì tương lai của dân tộc.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và thực hiện những đức tính cần, kiệm, liêm, chính. Tháng 6/1949, để tiếp tục răn dạy cán bộ về đạo đức, Bác viết tác phẩm: “Cần kiệm liêm chính” gồm 4 bài báo với bút danh là Lê Quyết Thắng đăng trên Báo Cứu Quốc các số ra ngày 30/5, 31/5, 1/6 và 2/6 năm 1949 để giải thích rõ nội dung 4 đức tính này.
70 năm đã trôi qua nhưng tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên tính thời sự và có giá trị lý luận – thực tiễn sâu sắc. Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong tác phẩm đặc biệt có ý nghĩa đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay./.