Quan tâm tiếp nhận chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi mới nước ngoài
(ĐCSVN) - Ban Quản lý Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (TP Hồ Chí Minh) đã thành lập được ngân hàng nguồn gen bảo tồn và lưu trữ các giống cây, giống con quý hiếm phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học, lại tạo và sản xuất,; tạo ra các nguồn giống mới có đặc tính vượt trội và giá trị kinh tế cao.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Ngày 15/3, Đoàn công tác số 2 do Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao về nhiệm vụ năm 2023.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu NNCNC, năm 2022, Ban Quản lý tiếp tục triển khai thực hiện 25 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ cấp cơ sở năm 2021 và thẩm định tài chính 37 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở năm 2022. Tổ chức nghiệm thu 1 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, triển khai 13 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và 6 mô hình thuộc Chương trình giống cây, giống con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 của các Trung tâm trực thuộc.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý đã hoàn thành 5 dự án thuộc chương trình hỗ trợ triển khai ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố và tiếp tục thực hiện 2 đề tài thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh; Hoàn thành 1 trong 2 dự án tại tỉnh Đồng Nai; Đăng ký tuyển chọn 3 đề tài, dự án cấp tỉnh với 2 đề tài đã ký hợp đồng thực hiện. Chuyển giao 4 quy trình: “Quy trình trồng dưa lưới trong nhà màng bằng hệ thống tưới nhỏ giọt" cho Công Ty TNHH Dương Thuận Phát Bình Thuận; “Quy trình sản xuất dưa lưới và chế biến dưa lưới sấy dẻo" cho Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang;... Đồng thời, chuyển giao 4 mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho người dân.
Hoạt động nghiên cứu, lai tạo, sản xuất giống cây, giống con Ban Quản lý đã thành lập được ngân hàng nguồn gen bảo tồn và lưu trữ các giống cây, giống con quý hiếm phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học, lại tạo và sản xuất, tạo ra các nguồn giống mới có đặc tính vượt trội và giá trị kinh tế cao. Duy trì hoạt động thu thập và du nhập hơn 500 giống nguồn gen bản địa thích hợp sinh trưởng và phát triển trong điều kiện tại TP Hồ Chí Minh, các vùng thổ nhưỡng trong cả nước và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Ban Quản lý đang làm chủ công nghệ sản xuất hạt giống lai F1 và đã công bố tiêu chuẩn cơ sở với các giống dưa lưới CNC01, dưa leo CNC04, giống ớt CNC02, giống khổ qua CNC03. Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đã sản xuất và cung cấp hơn 400 tấn hạt giống F1 các loại (bầu, bí, ớt, cà tím, dưa leo,..); 6.663.000 hạt giống dưa lưới F1; 11982,9 tấn thành phẩm (nấm rơm, dưa leo, dưa lưới, dưa leo thủy canh, bầu thủy canh, bí đao thủy canh, rau ăn lá, trái cây xử lý bằng công nghệ hơi nước nóng); 208.995 túi meo giống nấm và 4.611.000 bịch phôi giống nấm các loại (nấm linh chi, nấm bào ngư); cung cấp 646.525 hoa lan dendrobium cắt cành, 418.028 chậu lan dendrobium và 40.372 cây lan giống.
Trong năm 2022, Ban Quản lý đã cung cấp hơn 900.000 cây giống, 1.000.000 cây cấy mô các loại có chất lượng tốt cho bà con nông dân. Bên cạnh việc thực hiện chương trình chọn tạo giống hoa, cây kiểng, rau ăn lá đã tạo ra nhiều kết quả thành công như công bố 4 giống dưa lưới, khổ qua, ớt cay, dưa leo theo tiêu chuẩn cơ sở đáp ứng được chương trình giống của thành phố; Duy trì 5 bộ sưu tập nguồn mẫu giống rau, hoa, dược liệu, cây kiếng và vi sinh vật và xây dựng bộ sưu tập giống nấm ăn và nấm dược liệu; Tiếp tục hoàn thiện các quy trình nuôi trồng nấm theo hướng hữu cơ trong điều kiện nhà trồng có kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng: Thu thập, duy trì nguồn mẫu phục vụ bảo tồn nguồn gen.
Trong năm 2022, Ban Quản lý đã hoàn thiện hơn 100 quy trình kỹ thuật trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản (nuôi trồng, giám định bệnh,...), sẵn sàng để chuyển giao ứng dụng cho các đơn vị, tổ chức cá nhân có nhu cầu phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, Ban Quản lý được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 8 tiến bộ kỹ thuật cấp quốc gia về quy trình kỹ thuật công nghệ trong sản xuất và chế biến rau ăn lá, rau ăn quả và quy trinh nhân giống tế bào thực vật, nhộng trùng thảo.
Ban Quản lý đã triển khai trình diễn 68 mô hình sản xuất ứng dụng các kỹ thuật cao trên các lĩnh vực rau ăn quả, rau ăn lá, nấm ăn, nấm dược liệu, sau thu hoạch, vi sinh, thủy sản,... các mô hình triển khai đạt hiệu quả cao gấp 1,5 – 2 lần so với sản xuất truyền thống và chuyển giao cho các đơn vị, công ty, doanh nghiệp trong cả nước…
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Ban Quản lý Khu NNCNC sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư xây dựng Khu NNCNC trên các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi; Triển khai thực hiện các nội dung Chương trình giống cây, giống con và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thành phố giai đoạn 2020 – 2030 đã được Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI thông qua; Tổ chức nghiên cứu thử nghiệm, bảo tồn nguồn gen, xây dựng mô hình trình diễn công nghệ, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, sản xuất các sản phẩm cung cấp cho nhu cầu thị trường; Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp ươm tạo sử dụng dịch vụ khởi nghiệp đổ mới sáng tạo; thu hút doanh nghiệp tham gia ươm tạo theo hướng hình thành hệ sinh thái dổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ban Quản lý Khu NNCNC kiến nghị TP chấp thuận nâng cấp Trung tâm dạy nghề NNCNC thành Trung tâm đào tạo NNCNC TPHCM, phê duyệt chỉ tiêu đào tạo nghề cho Trung tâm dạy nghề NNCNC, các dự án đầu tư mở rộng Khu NNCNC, được tiếp nhận chuyển giao công nghệ tự động hóa, nghiên cứu và áp dụng thử nghiệm một số chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã…
Góp ý tại buổi làm việc, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM đề nghị Ban Quản lý Khu NNCNC cần quan tâm đến việc hợp tác, tiếp nhận chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi mới nước ngoài, tạo thêm sự gắn kết các Khu NNCNC trong vùng, khu vực để phát triển, tham mưu cơ chế chính sách cho UBND TP để người nông dân có cơ hội tiếp cận và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhanh hơn…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan yêu cầu Ban Quản lý Khu KNNCNC tiếp thu ý kiến của các sở, ban ngành để hoàn thành các nhiệm vụ năm 2023, đồng thời đề nghị Ban cần bổ sung các chỉ tiêu cụ thể trong nhiệm vụ 2023 như vốn đầu tư mới, bổ sung bao nhiêu quỹ đất mở rộng trong Khu NNCNC… Xây dựng đề án tổng kết 20 năm thành lập Ban Quản lý Khu NNCNC (2004 – 2024) trong đó xác định rõ mô hình, chiến lược phát triển Ban Quản lý Khu NNCNC trong 10 – 20 năm tới.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cũng đề nghị Ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM liên kết, phối hợp các tỉnh xây dựng Khu NNCNC TPHCM tại các tỉnh./.