Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quản lý xe máy điện thông qua đăng ký biển kiểm soát, liệu có khả thi?

Thứ Năm, 10/12/2015 18:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cùng với sự gia tăng nhanh của xe máy điện, trong thời gian gần đây, các vi phạm quy định về an toàn giao thông và các vụ tai nạn giao thông liên quan đến các phương tiện này đang có xu hướng gia tăng.

Từ ngày 7/12, xe máy - mô tô điện phải tiến hành làm thủ tục đăng ký biển số.
Ảnh: thanhnien.com.vn

Trước thực trạng trên, việc tiến hành cho đăng ký loại phương tiện này là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, theo người sử dụng phương tiện, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo Phòng PC67 – Công an Thành phố Hà Nội, căn cứ Thông tư số 54 năm 2015 về việc giải quyết đăng ký, cấp biển số xe đối với xe máy - mô tô điện, từ ngày 7/12, loại hình phương tiện này phải tiến hành làm thủ tục đăng ký biển số. Để tạo điều kiện tối đa cho người dân, cũng như đạt được hiệu quả trong công tác quản lý (bổ sung Điều 25a vào Thông tư số 15/2014 của Bộ Công an), toàn bộ xe máy điện khi đi đăng ký biển số sẽ không cần hóa đơn, chứng từ mua bán xe, giấy tờ liên quan đến đăng kiểm chất lượng. Như vậy, chủ phương tiện sẽ có nhiều thuận lợi trong việc đưa phương tiện đến làm thủ tục đăng ký trong khoảng thời gian này.

Cũng theo cơ quan cảnh sát giao thông, khi đến làm thủ tục, người có phương tiện cần chuẩn bị các giấy tờ có liên quan: Giấy khai đăng ký xe máy - mô tô điện (theo mẫu), bản photocopy sổ hộ khẩu (đối với trường hợp chủ xe là cá nhân), giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức (đối với trường hợp chủ xe là cơ quan, tổ chức), xuất trình Chứng minh nhân dân của người đến đăng ký xe, trường hợp chủ xe là cá nhân xuất trình thêm bản chính Sổ hộ khẩu để đối chiếu. Cũng như thủ tục đăng ký xe gắn máy, chủ phương tiện sẽ nhận được biển số xe ngay sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký, và nhận giấy chứng nhận đăng ký xe sau không quá 02 ngày làm việc. Các thủ tục như vậy có thể được coi là khá nhanh gọn.

Loại hình phương tiện 02 bánh chạy bằng động cơ điện được sử dụng phổ biến hiện nay có thể chia làm hai loại cơ bản, xe đạp chạy điện và xe máy chạy điện. Loại hình phương tiện di chuyển này khá dễ sử dụng và mang lại nhiều tiện ích cho người dùng, ngoài ra, do chạy bằng điện năng nên đây cũng là loại phương tiện thân thiện với môi trường. Điều đáng chú ý, do dễ sử dụng cũng như có giá thành không quá cao, nên việc sử dụng tràn lan loại hình phương tiện này khiến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông là khá lớn. Rất nhiều phụ huynh đã không ngần ngại, bỏ tiền mua cho con em mình sử dụng phương tiện này ngay cả khi các em còn rất nhỏ, còn học cấp Hai, cá biệt có trường hợp các em mới chỉ học cấp Một (lớp 4, lớp 5). Nhiều em còn đèo nhau lạng lách, đánh võng, đi thành hàng ba, hàng bốn và không đội mũ bảo hiểm...

Từ hệ quả trên, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện. Do vậy, việc tiến hành cho đăng ký loại phương tiện này là một chủ trương đúng đắn, giúp cơ quan chức năng và người dân quản lý các phương tiện thô sơ, quản lý tài sản cá nhân được tốt hơn. 

Trước đây, một số lý do gây ra khó khăn như thủ tục, hồ sơ để đăng ký xe máy điện yêu cầu nhiều loại giấy tờ khác nhau nhưng đến nay đã được các cơ quan chức năng “giải quyết” tại Thông tư số 54 năm 2015, giúp chủ phương tiện dễ dàng hơn trong việc đăng ký. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc mà người sử dụng phương tiện này chưa biết hỏi ai?

Bạn Nguyễn Phương Lan, hiện đang là sinh viên năm thứ 2 của một trường Đại học tại Hà Nội cho biết: Trước đây, gia đình Lan cho tiền để mua một chiếc xe máy điện tại đây để sử dụng trong thời gian đi học. Qua nghiên cứu các quy định về việc đăng ký biển kiểm soát (BKS) cho phương tiện này, Lan rất băn khoăn vì mình không có hộ khẩu tại Hà Nội. Lan chia sẻ: “Em thấy việc cơ quan chức năng tiến hành cho đăng ký BKS là việc làm rất đúng đắn, tuy nhiên, như cá nhân em thì em chưa biết phải làm như thế nào? Ở Hà Nội thì em không có hộ khẩu, nếu em mang phương tiện về quê để đăng ký BKS thì vô cùng mất công và tốn chi phí. Bởi sau quá trình sử dụng 2 năm xe của em không còn mới, có bán đi cũng không chắc đủ chi phí vận chuyển đi lại như vậy.

Ngoài trường hợp của Lan, một vấn đề cũng đang được người sử dụng quan tâm trước quyết định đưa phương tiện của mình tới phòng đăng ký. Anh Trần Văn Bách ở phố Hai Bà Trưng bày tỏ: “Tôi mua một chiếc xe điện cho con tôi đi học, xe có bàn đạp hai bên, khi hết điện có thể di chuyển bằng bàn đạp, nhưng tôi thấy vận tốc tối đa của xe khá lớn, đạt xấp xỉ hơn 40km/h. Vậy xe của tôi là xe đạp điện hay xe máy điện?” Theo quy định, thì chỉ xe máy điện mới phải đang ký BKS, tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người sử dụng phương tiện không biết được mình đang sở hữu loại phương tiện nào trong hai loại phương tiện trên.

Theo ông Nguyễn Văn Phương - Phó Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm), quy chuẩn của Bộ GTVT quy định, xe đạp điện phải có bàn đạp 2 bên, bàn đạp phải có cơ cấu dẫn động từ bàn đạp tới bánh xe, có vận tốc đối đa không vượt quá 25km/h. Quy định là vậy, nhưng thực tế, để phân biệt bằng mắt thường lại gặp không ít khó khăn, chính vì lý do đó nhiều người dân cũng không biết chiếc xe mình đang sở hữu là xe máy điện hay xe đạp điện. 

Thông tin từ Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong ngày đầu tiên thực hiện đăng ký BKS cho phương tiện xe máy điện, trên toàn thành phố Hà Nội đã có hơn 40 trường hợp đăng ký thành công và đã được cấp ngay BKS cùng giấy hẹn trả Giấy đăng ký. Qua tìm hiểu tại những điểm đăng ký xe, đa số ý kiến người dân đều ủng hộ cách làm, cũng như các quy định của cơ quan chức năng. Từ thực tế, không thể tránh khỏi những thiếu sót trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, với cách làm, hướng đi đúng đắn và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Người dân hy vọng trong thời gian sắp tới sẽ sớm có thêm những giải pháp giúp cho việc đăng ký BKS được thuận lợi hơn, nhằm mang lại hiệu quả trong việc quản lý với  loại hình phương tiện đi lại này./.

  Vũ Hoàng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN