Quản lý chặt, chế tài nghiêm sẽ hạn chế ngộ độc rượu
(ĐCSVN) - Liên tiếp những ca ngộ độc rượu trong thời gian gần đây tại nhiều địa phương đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý sản xuất và mua bán mặt hàng này.
Hàng loạt ca ngộ độc do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc
Tình trạng ngộ độc, tử vong do sử dụng rượu diễn ra trên cả nước trong thời gian qua đang tăng nhanh, cả về số vụ việc cũng như tính chất nghiêm trọng. Ít người có thể quên được vụ ngộ độc rượu tại một đám tang xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu hồi trung tuần tháng 2/2017 vừa qua. Hậu quả của nó đã làm 69 người phải nhập viện, trong đó 9 người chết sau khi sử dụng rượu không rõ nguồn gốc trong bữa ăn. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, theo kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia công bố, mẫu rượu lấy tại vụ ngộ độc này cho kết quả kiểm nghiệm là có hàm lượng Methanol vượt ngưỡng cho phép gấp nhiều lần.
Vụ ngộ độc rượu tại tỉnh Lai Châu diễn ra chưa lâu, thì mới đây nhất, vụ ngộ độc rượu của một nhóm sinh viên xảy ra tại số nhà 13, ngõ 259, phố Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) trong ngày 8/3/2017 lại thêm một lần nữa gây bất an trong dư luận. Tại một buổi liên hoan ở nhà trọ, nhóm sinh viên này đã mua rượu từ một cửa hàng tạp hóa trên phố Yên Hòa về sử dụng, đến sáng 9/3, một số bạn sinh viên trong nhóm xuất hiện triệu chứng đau đầu, mờ mắt và nôn ra máu nên đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 198, trước khi được chuyển đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vào rạng sáng 10/3. Kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ Methanol có trong máu của các sinh viên đều cao hơn mức cho phép nhiều lần, một số trường hợp hôn mê sâu và phải điều trị tích cực tại viện.
Cũng theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội từ ngày 26/2 cho đến 11/3/2017, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội đã tiếp nhận tổng số 24 bệnh nhân (cả nam và nữ) nhập viện được chẩn đoán ngộ độc Methanol trong rượu, trong số đó 2 bệnh nhân nặng đã tử vong.
Đoàn công tác kiểm tra và lập biên bản đối với hàng ăn tại số 17 ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy
với hành vi bán rượu không có tem, nhãn mác.
Sự nguy hiểm từ rượu giá rẻ trôi nổi trên thị trường
Trên thực tế, việc sản xuất rượu trong dân đã có từ rất nhiều năm trước đây, rượu chủ yếu được làm từ gạo, sau khi được lựa chọn và xử lý vệ sinh, gạo được nấu chín và trộn với các loại men vi sinh, sau đó ủ cho lên men trong một thời gian nhất định, đây cũng là quá trình hình thành Ethanol và Methanol trong rượu. Sau quãng thời gian trên, dung dịch đã lên men được gia nhiệt thêm một lần nữa để hơi rượu tách ra rượu thô sau khi qua xử lý. Trong các nhà máy sản xuất, rượu thô được trộn với nước tinh khiết để tạo thành các loại rượu tùy theo nồng độ. Tuy vậy, đối với những cơ sở sản xuất tư nhân, rượu thô không qua xử lý thường được trộn luôn với nước để cho ra thành phẩm, như vậy đồng nghĩa với việc hàm lượng Methanol, Ethanol có trong rượu vẫn còn nguyên, rất dễ gây nguy hiểm cho người sử dụng nếu tiếp nhận quá mức cho phép vào cơ thể.
Đáng lo ngại hơn nữa, vì lợi nhuận trước mắt một số cơ sở sản xuất vô lương tâm còn sử dụng hóa chất tạo mùi, tạo màu cùng cồn công nghiệp để pha với nước lã, nhằm sản xuất ra các loại rượu rởm, những loại rượu này sau đó được bán với giá rất rẻ vào các cửa hàng tạp hóa, hàng ăn uống để phục vụ cho thực khách. Vậy, so với rượu được nấu bằng phương pháp thủ công như trên, các loại rượu rởm này còn có độ độc hại hơn gấp nhiều lần.
Theo các chuyên gia về hóa học, Methanol là dạng đơn giản nhất của Alcohol, có liên hệ rất gần với Ethanol (một dạng alcohol thường có trong bia, rượu) nhưng Methanol độc hơn rất nhiều và thường xuất hiện trong những loại bia rượu tự làm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người. Mặc dù được hình thành một lượng rất nhỏ trong quá trình lên men, tuy vậy, tại các cơ sở sản xuất có đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, hàm lượng Methanol này vẫn bắt buộc phải tách ra (bằng phương pháp lọc) để loại bỏ.
Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc rượu gồm hai dạng, phổ biến nhất là ngộ độc rượu thực phẩm – Ethanol và nguy hiểm hơn rất nhiều là ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp Methanol.
Đối với những người uống rượu chứa Ethanol trong thời gian dài có thể bị ngộ độc mãn tính dẫn tới sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da xanh do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan và có thể ung thư gan, gây mất trí nhớ, rối loạn tâm thần.
Còn đối với người uống rượu có hàm lượng Methanol cao, tác hại của nó có thể cao hơn gấp nhiều lần, như suy thận, suy tim, mạch và rối loạn tuần hoàn, hại gan, rối loạn thị giác như mờ mắt, hẹp tầm nhìn, biến đổi nhận biết màu sắc, mù tạm thời hoặc vĩnh viễn, gây hại cho thần kinh và não bộ… Thời gian ngộ độc càng lâu, nguy cơ mất thị giác, mất khả năng tư duy và ảnh hưởng đến cả các cơ quan nội tạng càng cao. Không được chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời, các bệnh nhân thường lâm vào tình trạng tổn thương nặng, dễ dẫn tới tử vong.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2016 chỉ có 70 triệu lít rượu bán trên trên thị trường là được kiểm tra chất lượng, còn lại 200 triệu lít rượu còn lại là sản phẩm trôi nổi trên thị trường và do người dân tự chế biến theo phương pháp thủ công, điều này phần nào giải thích lý do tại sao các vụ ngộ độc do sử dụng rượu gia tăng trong thời gian gần đây.
Mặc dù biết rằng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, tuy nhiên với giá thành rẻ hơn hẳn so với các loại rượu được đóng chai, có nhãn mác của cơ sở sản xuất đủ chứng nhận. Dẫn tới nhiều người vẫn mua các loại rượu không rõ nguồn gốc với những mác như “rượu quê, rượu nhà nấu” được bán tại những cửa hàng tạp hóa hoặc quán ăn ngoài đường về sử dụng. Đây có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc gia tăng các trường hợp ngộ độc rượu thời gian qua…
Trao đổi với báo chí về công tác quản lý mặt hàng này, ông Hoàng Đại Nghĩa – Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đây là việc làm khó kiểm soát. Tự nấu, tự pha chế rượu đã trở thành thói quen của người dân từ nhiều năm nay, việc kiểm soát những cơ sở nấu, chế biến rượu thường không nhận được phản ánh từ người dân và chính quyền cơ sở tại địa phương. Để tìm ra những cơ sở này, lực lượng chức năng đôi khi phải kiểm tra từ người mua mới tới được cơ sở tự sản xuất và bán rượu. Việc quản lý trực tiếp từ người bán lẻ tới người mua về để sử dụng vẫn chưa có trong danh mục quản lý, đây cũng là một trong những khó khăn đối với cơ quan chức năng.
Như vậy, tình trạng sử dụng rượu tự nấu, tự pha chế thủ công, không rõ nguồn gốc, xuất xứ chính là nguyên nhân gia tăng các ca ngộ độc trong thời gian qua. Thiết nghĩ, ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân có thêm kiến thức khi sử dụng những sản phẩm rượu chúng ta cần đưa ra những chế tài xử lý nghiêm minh với các hành vi vi phạm pháp luật trong chế biến sản xuất rượu.
Ngày 10/3/2017, Thủ tướng Chính phủ có công điện 371/CĐ-TTg về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Theo nội dung công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng:
Thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu, theo quy định của pháp luật, kể cả đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, chất men nấu rượu bằng phương pháp thủ công; Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không có nguồn gốc, xuất xứ dưới mọi hình thức; Kiểm soát chặt chẽ tất cả các cơ sở kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại các cửa hàng ăn uống…); Nghiên cứu bổ sung chế tài, tăng mức phạt hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rượu; Có giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu; Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, hướng dẫn người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm rượu có nguồn gốc, xuất xứ theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu./.