Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quản lí giá xăng dầu:Trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ Sáu, 25/03/2016 21:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trước sóng gió dư luận về việc các "ông lớn" xăng dầu lãi khủng nhờ ưu đãi thuế nhưng không giảm giá bán lẻ khiến người dân chịu thiệt, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã liên tiếp đùn đẩy trách nhiệm.

 

                                                                

Doanh nghiệp đang được hưởng lợi lớn từ cách tính giá xăng dầu hiện nay. Ảnh: giadinh.net.vn 

 

Tranh cãi nảy lửa

Sau phát ngôn của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi trên báo chí về việc Bộ Công Thương mới là nơi chịu trách nhiệm chủ trì quyết định thuế nhập khẩu mới để tính giá cơ sở điều hành xăng dầu, chiều ngày 23/3, Bộ Công Thương đã "phản pháo" bằng văn bản gửi Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Công Thương một lần nữa khẳng định, "Bộ Tài chính mới là nơi chủ trì quyết định mức thuế nhập khẩu mới để tính giá cơ sở điều hành xăng dầu". Bộ Công Thương cho rằng, phát biểu của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi liên quan tới điều hành thuế xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và do Bộ Công Thương chủ trì quyết định là không đúng. “Phát biểu của ông Phạm Đình Thi là chưa hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ và quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành năm 2014) trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất, thuế nhập khẩu và điều hành xăng dầu” – văn bản “phản pháo” của Bộ Công Thương viết.

Bộ Công Thương cũng trích dẫn lại Điều 36, điểm b; Khoản 2 Điều 40 của Nghị định 83 về quản lý mặt hàng xăng dầu và khẳng định, “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất, thuế nhập khẩu ổn định với từng chủng loại xăng dầu” và: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở (với các mặt hàng xăng dầu)”.

Đối với trách nhiệm của mình, công văn của Bộ Công Thương cũng chỉ rõ theo điểm đ, Khoản1, Điều 40 của Nghị định 83 thì Bộ Công Thương là đơn vị phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán các mặt hàng xăng dầu.

Trước đó, báo chí đã lên tiếng mạnh mẽ về việc doanh nghiệp được hưởng thuế thấp khi nhập khẩu xăng dầu từ một số thị trường do hưởng ưu đãi theo quy định của các Hiệp định thương mại tự do suốt từ đầu năm 2015 đến nay, nhưng vẫn tính giá bán trên cơ sở mức thuế cao cho người dân.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Dư luận cho rằng, với cuộc tranh cãi nảy lửa trên, cả hai bộ Công Thương và Tài chính dường như đã quên trách nhiệm và vai trò của mình trong việc phối hợp việc điều hành xăng dầu?

Về Bộ Tài chính, tưởng cũng không cần nói nhiều về việc thiếu trách nhiệm khi để doanh nghiệp bán xăng dầu với giá cao khiến người tiêu dùng chịu thiệt, bởi chỉ cần đọc trích dẫn lại Điều 36, điểm b; Khoản 2, Điều 40 của Nghị định 83 về quản lý mặt hàng xăng dầu: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất, thuế nhập khẩu ổn định với từng chủng loại xăng dầu... Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở với các mặt hàng xăng dầu”... là có thể thấy rõ điều này.

Còn đối với Bộ Công thương, đơn vị này có vai trò quan trọng trong việc kí kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Vì vậy, hơn ai hết, Bộ Công Thương phải nắm rõ lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng, đặc biệt là mặt hàng quan trọng như xăng dầu. Nhà nước đã quy định Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài Chính quản lí và điều hành giá xăng dầu. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn dựa trên mức thuế cũ cao hơn để tính vào giá xăng dầu bán ra, khiến người tiêu dùng bị thiệt, Bộ Công Thương cũng không phối hợp, không trao đổi bàn bạc với Bộ Tài chính để có biện pháp xử lý, điều chỉnh giá xăng cho phù hợp.

Đặc biệt, theo Thông tư 39/2014/TTLT-BCT-BTC (hướng dẫn thực hiện Nghị định 83), Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu gồm có đại diện của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), trong đó Tổ trưởng là cán bộ của Bộ Công Thương. Như vậy,  Bộ Công Thương thậm chí còn có vị trí quan trọng hơn trong điều hành giá xăng dầu.

Dư luận cho rằng, thực trạng trên đang bộc lộ sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành, phối hợp của hai bộ Công Thương và Tài chính trong thời gian qua. Và người chịu thiệt trong sự việc này, cuối cùng không ai khác chính là người tiêu dùng!

Bùi An (CTV)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN