Quân đội tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật
(ĐCSVN) - Ban chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh Bạc Liêu thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. Giai đoạn 2021 - 2024 đã tổ chức hơn 400 buổi tuyên truyền, giao lưu, học tập cho hơn 18.000 lượt người dân, cán bộ, chiến sĩ tham gia…
Ngày 20/9, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu, Ban chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh tổ chức sơ kết giai đoạn I (2021 - 2024) về thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở” giai đoạn 2021 - 2027 (gọi tắt là Đề án 1371).
Trong 3 năm qua, Đề án 1371 luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu; sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, tổ chức và chính quyền địa phương. Với tinh thần chủ động và trách nhiệm, các cơ quan, đơn vị đã bám sát, huy động tối đa mọi nguồn lực, nhân lực, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đề ra, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 1371, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Ban chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. Trong đó, coi trọng phương pháp truyền đạt trực tiếp và vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền khác như báo điện tử, mạng xã hội; tổ chức lồng ghép truyền thông qua các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ vào các ngày lễ lớn của đất nước, quân đội.
Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2024 đã tổ chức hơn 400 buổi tuyên truyền, giao lưu, học tập cho hơn 18.000 lượt người dân, cán bộ, chiến sĩ tham gia…
Ban chỉ đạo Đề án tỉnh và các cơ quan, đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhân rộng, duy trì nền nếp, có chiều sâu nhiều mô hình phong trào và sáng kiến có hiệu quả đang triển khai ở cơ sở. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo những biện pháp, cách làm mới khoa học hiệu quả trong thực hiện các phong trào, chương trình, mô hình như “Phong trào toàn dân phòng, chống nạn buôn bán người và xuất nhập cảnh trái phép”; phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Dân vận khéo”... Qua đó, khẳng định sự đa dạng, phong phú về hình thức, phương pháp, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh; góp phần đưa công tác này trở thành việc làm thường xuyên của các cấp, ngành và của người dân.
Với tinh thần chủ động, trách nhiệm, các cơ quan, đơn vị đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, huy động tối đa mọi nguồn lực, nhân lực để hoàn thành tốt. Qua đó góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương; thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều - Trưởng ban chỉ đạo Đề án tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các đơn vị lưu ý tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của người đứng đầu các cấp, sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền. Các đơn vị quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có chất lượng; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương và đối tượng tuyên truyền; gắn thực hiện Đề án với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống, giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân; biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.../.