Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phương án nào để người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần?

Thứ Năm, 17/08/2023 14:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chính phủ đưa ra 2 phương án quy định các điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Còn Uỷ ban Xã hội trong báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo luật đã đưa ra 5 quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất vừa được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 17/8. Trong đó, quy định hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần - nội dung vẫn luôn nhận được ý kiến nhiều chiều một lần nữa lại được điều chỉnh. 

BHXH một lần là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động (Ảnh minh họa: KT).

Cụ thể, dự thảo Luật đang giữ quy định các điều kiện hưởng BHXH một lần cơ bản kế thừa Nghị quyết 93/2015/QH13, song riêng đối với trường hợp sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì đưa 2 phương án để xin ý kiến.

Phương án 1: Giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực. Như vậy, người lao động có thời gian tham gia BHXH trước thời điểm Luật này có hiệu lực và chưa đủ 20 năm thì vẫn tiếp tục được hưởng BHXH một lần; còn người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực mà có thời gian đóng dưới 15 năm thì chỉ được hưởng BHXH một lần khi đã đủ tuổi nghỉ hưu.

Phương án 2: Chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. 

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, trong 2 phương án này “thực sự chúng tôi thấy chưa có một phương án tối ưu”. Đồng thời cho biết, nếu như đúng với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 thì phải chọn phương án 2. Song theo ông, phương án này cũng “không trọn vẹn lắm” bởi khi luật có hiệu lực thì vẫn tiếp tục được rút BHXH một lần. 

Vì vậy, thời gian vừa qua Ban soạn thảo làm việc với rất nhiều cơ quan tính toán xem có thể thay việc rút này bằng các cơ chế, bằng chính sách khác để người lao động không phải rút BHXH một lần, ví dụ như tín dụng. “Chúng tôi cũng làm việc với ngân hàng rồi nhưng chưa đến tận cùng vấn đề” - Bộ trưởng nói.

Đối với vấn đề này, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh, ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng còn khác nhau.

Ngay Uỷ ban Xã hội của Quốc hội - cơ quan được giao thẩm tra dự án luật, tại báo cáo thẩm tra sơ bộ đã đưa ra tới 5 loại ý kiến khác nhau. Ba loại ý kiến đầu thể hiện rõ là: nên lựa chọn Phương án 1; nên lựa chọn Phương án 2; chưa đồng ý với cả 2 phương án Chính phủ trình.

Loại ý kiến thứ 4 đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ người lao động, giúp họ vượt qua khó khăn thật sự, giúp họ giảm thiểu nguy cơ phải hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi đối với người lao động khi bị nghỉ việc; Trường hợp lựa chọn Phương án 2 thì cần phải bổ sung quy định chặt chẽ hơn về điều kiện.

Ý kiến thứ 4 đề nghị trong bối cảnh bảo hiểm hưu trí bổ sung chưa phát triển, đề nghị nghiên cứu tách quỹ hưu trí bắt buộc thành 2 phần, phần bắt buộc đóng ở mức sàn để bảo đảm an sinh xã hội và phần còn lại của thu nhập. Người lao động không có quyền rút phần bắt buộc nhưng được rút phần còn lại. Cả 2 quỹ này đều do cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi cho ý kiến cũng nhận xét, mỗi phương án theo tờ trình phân tích đều có ưu điểm và nhược điểm, trong đó phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn. 

Tuy nhiên qua nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất cần nghiên cứu tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của hai phương án này để đưa ra 1 phương án. Theo đó, với những người tham gia sau khi Luật này có hiệu lực thì không được rút BHXH một lần khi đang trong độ tuổi lao động. Còn với người tham gia trước khi Luật có hiệu lực thì vẫn được rút BHXH một lần nhưng chỉ được rút một phần, phần còn lại được tích lũy, lưu lại trong hệ thống BHXH. Như vậy, người lao động vừa giải quyết được khó khăn trước mắt, vừa có thể quay trở lại hệ thống và tham gia đóng, để mạng lưới an sinh không bị “thủng.”

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng hưởng BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, việc người lao động hưởng BHXH một lần có xu hướng tăng như giai đoạn vừa qua là một thực tế rất đáng lo ngại.

Ông đánh giá 2 phương án mà dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang thể hiện theo hướng nhằm hạn chế việc người lao động hưởng BHXH 1 lần, mỗi một phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. 

Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Phan Văn Anh đề nghị cũng cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn nữa để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt, để họ đảm bảo duy trì cuộc sống như có thể tạo điều kiện hỗ trợ cho họ vấn đề về tín dụng ưu đãi, vấn đề về việc làm, dạy nghề cũng như chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động để làm sao tạo điều kiện cho người lao động. Đồng thời, tăng cường các biện pháp để tuyên truyền cũng như phổ biến pháp luật, giải đáp các thông tin để người lao động hiểu và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của BHXH.

Có thể thấy, BHXH một lần là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động. Do vậy, bất cứ phương pháp nào đưa ra cũng phải được xem xét thật kỹ lưỡng, thấu đáo để đảm bảo được đầy đủ nhất quyền lợi người lao động. Quan trọng hơn là phải nhận được sự đồng thuận cao của người lao động./.

Kim Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN