Phục hồi toàn diện, tăng tưởng mạnh mẽ
(ĐCSVN) - Năm 2022 ghi nhận sự khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế nước ta. Sự phục hồi toàn diện, tăng tưởng mạnh mẽ của nền kinh tế đã góp phần tăng cường sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước, cũng như cơ hội đẩy mạnh tăng trưởng trong năm 2023…
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 của nước ta ước đạt 9,513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD, gấp 2,78 lần so với năm 2010 (147,2 tỷ USD). GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021 và gấp 2,45 lần so với năm 2010 (1684 USD/người). Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, năm 2022, thế giới đứng trước những thách thức lớn bởi tác động nhiều chiều, nhất là tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và dần lấy lại đà tăng trưởng vốn có. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, chủ trì hội nghị. (Ảnh: VGP). |
Thực tế, năm 2022 khép lại với nét nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải thiện tích cực. Trên cơ sở đó, kinh tế nước ta khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng cao; tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực ở cả ba khu vực kinh tế. GDP năm 2022 tăng cao ở mức 8,02% so với năm trước, là mức tăng cao nhất các năm trong giai đoạn 2011 - 2022. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78% trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%. Khu vực dịch vụ tăng 9,99%, trong đó nhiều ngành dịch vụ thị trường tăng cao như: bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm…
Trong tổng thể bức tranh kinh tế năm 2022, lĩnh vực hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất, nhập khẩu hàng hóa được coi là những gam màu nổi bật. Trong năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với 2021. Đây là mức tăng cao trong nhiều năm trở lại đây.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng có bước tăng trưởng khá với mức thặng dư tích cực. Tính chung năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với 2021, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%; ước tính xuất siêu đạt giá trị trên 11,2 tỷ USD.
Sự phục hồi toàn diện của nền kinh tế còn được phản ánh thông qua số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng cao. Năm 2022, cả nước có 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký là 981,3 nghìn người, tăng 27,1% về số doanh nghiệp và tăng 14,9% về số lao động so với 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 59,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,8%. Tính chung số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm nay đạt 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021.
Các lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế đã có sự phục hồi toàn diện, tăng trưởng mạnh mẽ. (Ảnh: Đặng Hiếu). |
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với 2021; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua.
Đặc biệt, với những giải pháp mang tính đồng bộ, nhìn chung lạm phát đã được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với 2021, thấp hơn mức tăng 3,54% và 3,23% của năm 2018 và 2020; cao hơn mức tăng 2,79% và 1,84% của năm 2019 và năm 2021. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59%.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế đã có sự phục hồi toàn diện, tăng trưởng mạnh mẽ trên các lĩnh vực sản xuất quan trọng. Kết quả đó có được là nhờ sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt của Chính phủ trên cơ sở diễn biến thực tế của nền kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị quan trọng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển nhiều thị trường quan trọng như vốn, lao động, bất động sản... Đồng thời, làm tốt công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Qua đó, vừa tạo cơ sở cho sự phục hồi, phát triển của nền kinh tế, vừa tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đồng thời, sự phục hồi toàn diện, tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng ta luôn ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng đảm bảo các cân đối lớn để hướng đến sự phát triển bền vững, lâu dài.
Tuy nhiên, theo dự báo trong năm 2023, bối cảnh tình hình thế giới và khu vực sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Xung đột có thể còn kéo dài tại Ukraine; các lệnh trừng phạt của Mỹ và Phương Tây đối với Nga tiềm ẩn những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Để có thể duy trì đà tăng trưởng chung, đòi hỏi chúng ta phải theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước, các khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế…
Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào; quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất để chủ động nguồn cung. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu. Điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Triển khai mạnh mẽ các chương trình, giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước…
Chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất, kiểm soát giá cả thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Cân đối cung cầu, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đặc biệt vào các dịp lễ, tết. Tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại đối với sản xuất và cuộc sống của người dân. Đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội, lao động việc làm, công tác trợ giúp đột xuất… hướng vào thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triên mọi mặt đời sống của các tầng lớp nhân dân./.