Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Phục hồi kinh tế, an sinh xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 phải có mục tiêu, lộ trình cụ thể”

Thứ Năm, 18/11/2021 10:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, kể cả phòng, chống dịch và thích ứng, phục hồi phát triển kinh tế; tập trung nguồn lực cho cả công tác phòng, chống dịch, kích thích phục hồi kinh tế, chính sách an sinh xã hội và phải có mục tiêu, lộ trình cụ thể như tiếp tục thực hiện bao phủ vaccine cho người dân, kể cả trẻ em…

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Hưng Yên  phát biểu tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: QH

Đó là đề xuất của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV.

Cho ý kiến về phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Hưng Yên đánh giá cao những giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra để triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Đại biểu cho rằng, 9 tháng đầu năm 2021 nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư với biến chủng delta mới đã lây lan nhanh, xâm nhập sâu trong cộng đồng, tấn công vào nhiều tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, cơ sở y tế, trường học, cơ quan hành chính. Do phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh để phong tỏa, giãn cách, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Mặc dù vậy, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, sự đồng hành, sát sao của Quốc hội cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chia sẻ của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước ước vượt dự toán. Đồng thời, các chế độ chính sách của Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, đại biểu Thắng  đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương cần có sự vận dụng linh hoạt trong thực hiện mục tiêu kép, tùy từng thời điểm diễn biến của dịch bệnh để có sự điều chỉnh phù hợp, đảm bảo vừa phục hồi, phát triển kinh tế bền vững sau dịch bệnh, vừa kiểm soát phòng, chống tốt dịch bệnh. Các quy định ban hành phải phù hợp, đồng bộ với quy định phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định của các địa phương để tránh những quy định về phòng, chống dịch không phù hợp, quá mức cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho lưu thông, vận chuyển vật tư hàng hóa, đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu khôi phục phát triển kinh tế trong trạng thái thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống y tế cơ sở, nhất là trung tâm y tế cấp huyện và các trạm y tế xã, bảo đảm đủ năng lực triển khai tốt công tác y tế dự phòng và khám, chữa bệnh ban đầu, đủ khả năng tham gia phản ứng có hiệu quả các dịch bệnh xảy ra nói chung và dịch bệnh COVID-19 nói riêng.

Đại biểu cũng cho rằng, ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt hoạt động ngoại giao vaccine thì tranh thủ mọi nguồn lực để sớm có đủ 150 triệu liều vaccine tiêm miễn phí cho người dân, theo kế hoạch tiêm chủng quốc gia vaccine COVID-19, sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.

“Về lâu dài, đề nghị Chính phủ, Quốc hội có giải pháp để sớm tự chủ được vaccine, tiếp tục quan tâm đầu tư, nghiên cứu đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các cơ sở trong nước để nhanh chóng hoàn thành sản xuất được vaccine và sớm đưa vaccine cũng như các trang thiết bị y tế sản xuất trong nước vào sử dụng, hạn chế phải nhập khẩu, phụ thuộc từ nước ngoài”, đại biểu nêu rõ.

Trên cơ sở đó, đại biểu Thắng cũng đề nghị sớm triển khai trên toàn quốc việc tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn khi tiêm chủng, vì đến nay chưa khẳng định được đến thời điểm nào dịch bệnh mới kết thúc mà vaccine chỉ có hiệu quả trong một thời gian nhất định, để đáp ứng với trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục và hoạt động bình thường. “Ngoài việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, chúng ta đang áp dụng thì việc tự chủ được vaccine COVID-19 là giải pháp quan trọng, có tầm chiến lược lâu dài, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, đại biểu cho hay.

Cũng cho ý kiến về các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đại biểu Vũ Xuân Hùng - Thanh Hoá phân tích: Trước diễn biến phức tạp của đại dịch nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ tư, với tinh thần chống dịch như chống giặc, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ phòng, chống dịch, Chính phủ, các ngành, các địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bám sát tình hình thực tiễn, từng bước bổ sung, hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, điều động một lực lượng lớn cùng trang thiết bị, phương tiện vào vùng tâm dịch, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp để quyết tâm dập dịch. Riêng lực lượng quân đội, thời điểm cao nhất đã điều động hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, trong đó có một vạn cán bộ y, bác sĩ, thành lập 13 cơ sở điều trị là các bệnh viện dã chiến, 660 tổ quân y lưu động, cùng hàng ngàn phương tiện vận chuyển vaccine, vận chuyển lương thực, thực phẩm tham gia các hoạt động hỗ trợ an sinh cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Sản xuất 47.000 bình oxy, cung ứng cho 79 bệnh viện điều trị ở các cơ sở phía Nam. Cùng với đó, quân đội đã triển khai trên 2.000 tổ chốt ở các biên giới để kiểm soát các khu vực đường mòn, lối mở để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Đại biểu cho biết, hiện tại cử tri và nhân dân rất quan tâm hai việc là phòng, chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế, phục hồi kinh tế - xã hội. Bởi vậy, cần chủ động công tác nắm và dự báo, đánh giá tình hình sát thực tiễn trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, tránh tư tưởng nóng vội, chủ quan. Điều kiện tiên quyết là phải bao phủ vaccine cho người dân, áp dụng biện pháp 5K, triệt để áp dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch. Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu xây dựng chiến lược tổng thể để thích ứng linh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội, mở cửa nhưng phải kiểm soát được dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát lại.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, kể cả phòng, chống dịch và thích ứng, phục hồi phát triển kinh tế; tập trung nguồn lực cho cả công tác phòng, chống dịch, kích thích phục hồi kinh tế, chính sách an sinh xã hội và phải có mục tiêu, lộ trình cụ thể như tiếp tục thực hiện bao phủ vaccine cho người dân, kể cả trẻ em. Nghiên cứu thuốc điều trị để ổn định tâm lý cho người dân nếu dịch bùng phát lại. Cùng với hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, tăng khả năng tiếp cận y tế của người dân qua đợt bùng phát dịch vừa qua…/

Khôi Nguyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN