Phú Yên: Tôm hùm chết hàng loạt do môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm
(ĐCSVN) - Ngày 5/7, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức họp báo công bố nguyên nhân dẫn đến tôm hùm chết trên địa bàn thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Theo UBND Phú Yên, trong các ngày từ 24 – 26/5 và 1 – 6/6, tại vùng nuôi xã Xuân Phương và phường Xuân Yên (Sông Cầu) đã xảy ra hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt (gần 1, 7 triệu con tôm hùm) gây thua lỗ nghiêm trọng cho 693 hộ nuôi.
Tôm hùm chết gây thua lỗ nghiêm trọng cho các hộ nuôi.
Nguyên nhân tôm hùm chết được các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên kết luận là: do môi trường vùng nuôi đã bị ô nhiễm, tích tụ lượng lớn các chất hữu cơ. Tại khu vực này, thời tiết diễn biến rất bất thường (nắng nóng kéo dài chuyển mưa lớn đột ngột, nhiệt độ nước cao) dẫn đến sự phân hủy chất hữu cơ, sự phát triển của các loài vi tảo... các hoạt động này cần tiêu thụ một lượng oxy lớn trong nước.
Lượng tôm hùm nuôi tại khu vực này dày cả về mật độ lồng cũng như mật độ con tôm trong lồng; việc cắm cọc tre, sử dụng lốp xe để nuôi vẹm, hàu đã cản trở quá trình lưu thông nước, dẫn đến hiện tượng oxy trong nước rất thấp. Từ đó dẫn đến hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt.
Tại buổi họp báo, bà Lê Đào Anh Xuân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cũng khẳng định: “Việc tôm hùm nuôi lồng bè tại xã Xuân Phương và phường Xuân Yên bị chết không có sự liên quan nào đến việc xả thải của Nhà máy chế biến thủy sản Nguyễn Hưng”.
Qua xác minh của Công an tỉnh Phú Yên, trong thời gian nâng cấp hệ thống xả thải, toàn bộ nước thải của nhà máy đã được vận chuyển xử lý tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bột cá Phú Bình. Trích xuất từ camera không phát hiện nhà máy lén lút xả nước thải ra môi trường.
Với những nguyên nhân đã được công bố, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Sau khi làm rõ nguyên nhân tôm hùm chết hàng loạt thì đây là sự việc chưa có tiền lệ, chưa nằm trong quy định hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản báo cáo, đề nghị Thủ tướng có cơ chế đặc thù hỗ trợ cho các hộ nuôi bị thiệt hại.
Tỉnh cũng sẽ đề nghị thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị các ngân hàng có chính sách gia hạn nợ, giãn nợ cho những người vay vốn có tôm hùm bị chết, đồng thời có cơ chế tạo điều kiện cho người dân sớm được vay vốn trở lại để tái sản xuất.
"Trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành chủ trương hỗ trợ đối với những hộ bị thiệt hại để sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất…” - ông Thế nói.