Phú Thọ: Chú trọng chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình GDPT mới
(ĐCSVN)- Ngày 3/3, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra công tác triển khai Nghị quyết Quốc hội số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại tỉnh Phú Thọ.
Đối với thực hiện Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Phú Thọ cho biết, ngành Giáo dục tỉnh đã tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình GDPT mới. Theo đó, Sở GDĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đảm bảo lộ trình theo quy định. Việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương đã hoàn thành xong bước sưu tầm tư liệu, ngữ liệu để tới đây biên soạn thành các chủ để dạy học.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác của Bộ GDĐT làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ |
Về việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 chương trình GDPT mới, căn cứ Thông tư hướng dẫn của Bộ, Sở GDĐT tỉnh Phú Thọ đã tổ chức các hội nghị quán triệt tiêu chí lựa chọn, giới thiệu các bộ sách giáo khoa. Sở chỉ đạo các phòng GDĐT và các trường tiểu học tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chi tiết từng tiêu chí để làm cơ sở lựa chọn, đánh giá. Hiện bộ quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa đã được Sở GDĐT hoàn thiện dự thảo và trình UBND tỉnh xem xét ban hành.
Căn cứ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GDĐT, Sở GDĐT tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện đổi mới nhà trường phổ thông, đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới. Cụ thể như: giao quyền chủ động cho các nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục; đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Việc sinh hoạt chuyên môn được đổi mới theo hướng nghiên cứu bài học minh họa; các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học… được tăng cường. Sở GDĐT còn triển khai thực hiện mô hình trường học gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh ở địa phương; thí điểm mô hình trường học mới dành cho cấp THCS.
Phối hợp với Sở Nội vụ, UBND huyện, thành, thị xã, ngành giáo dục tỉnh đã rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn và thực hiện việc luân chuyển giáo viên giữa các huyện. Trong năm 2019, ngành đã tuyển được 370 giáo viên, trong đó ưu tiên các môn văn hóa, Ngoại ngữ, Tin học. Năm 2020, UBND tỉnh đã cho phép ngành giáo dục tuyển mới 160 giáo viên Tiểu học, dự kiến tuyển xong trước tháng 8 để đảm bảo số lượng, kịp tiến độ triển khai chương trình mới.
“Tính đến hết tháng 12/2019, toàn tỉnh đã có 600 giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn đã được tập huấn về chương trình GDPT mới. Dự kiến từ tháng 3 này chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên đại trà” - Ông Trịnh Thế Truyền cho hay. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện chương trình GDPT mới, cũng được Sở GDĐT phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực triển khai.
Ghi nhận những kết quả đạt được của ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ trong việc thực hiện Nghị quyết 88, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu tiếp tục nỗ lực để triển khai thành công chương trình GDPT mới.
“Mục tiêu của việc đổi mới lần này là chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Do đổi mới mục tiêu nên kéo theo nội dung, phương pháp giảng dạy, cách kiểm tra đánh giá và các điều kiện đi kèm cũng thay đổi. Lần đổi mới này, chương trình sẽ là gốc, sách giáo khoa chỉ là tài liệu dạy học cụ thể hóa chương trình và mỗi môn học có một số sách giáo khoa. Từ chương trình, sách giáo khoa đều được viết theo hướng mở, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh được chủ động, sáng tạo trong dạy và học, phát huy tiền năng của bản thân và phát triển phẩm chất, năng lực” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, việc dạy học phát triển phẩm chất, năng lực, đòi hỏi người giáo viên phải rất nỗ lực, chịu khó đổi mới, sáng tạo trong phương pháp tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá. “Bộ GDĐT sẽ đồng hành, hỗ trợ cùng ngành Giáo dục các địa phương, các thầy cô giáo để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị chung của ngành” - Thứ trưởng cho hay./.