Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phóng viên bị hành hung ở Long An: Tại sao không khởi tố vụ án hình sự?

Thứ Tư, 13/12/2017 09:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm về sự việc nhóm phóng viên báo, đài Long An đang tác nghiệp tại khu vực Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa thì bị nhóm đối tượng hành hung, đe dọa. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã có thông báo không khởi tố vụ án do "khi tác nghiệp tại khu vực Nhà máy xử lý rác Tân Sinh Nghĩa, các phóng viên không đảm bảo yếu tố đang thi hành công vụ".

 

Công an lấy lời khai của một trong những người tham gia hành hung nhóm phóng viên ở Long An. Ảnh: thanhnien.vn

Cụ thể, theo Thông báo “Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố” của Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An ký ngày 14/11, thì khi tác nghiệp tại khu vực Nhà máy xử lý rác Tân Sinh Nghĩa, "các phóng viên không đảm bảo yếu tố đang thi hành công vụ". 

Trước đó, trên một số cơ quan báo chí phản ánh: Ngày 27/9, nhóm 3 phóng viên gồm Nguyễn Thị Mận, Cao Thị Kim Ngân, Phạm Đức Cảnh đến tìm hiểu, ghi nhận ý kiến bức xúc của người dân về vấn đề Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa xả thải trực tiếp ra kênh 3 (đoạn ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, Long An) gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường xung quanh thì có 4 người đến hăm dọa, ngăn cản không cho quay phim, chụp hình. Sau đó, 2 người xông vào quật ngã, đè phóng viên quay phim Phạm Đức Cảnh xuống để 2 người khác đấm, đá liên tiếp vào mặt, bụng phóng viên và liên tục có lời nói đe dọa…

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Dương Văn Thụ, Văn phòng luật sư Thiên Dương (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Quan điểm của tôi về vụ phóng viên báo, đài Long An khi đang tác nghiệp bị nhóm đối tượng hành hung, khi trình báo với cơ quan Công an sở tại lại được các đồng chí Công an nói “ Phóng viên không mặc trang phục, gắn logo của báo, đài là không đảm bảo yếu tố thi hành công vụ” là thể hiện tư duy quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm của Công an sở tại, đó là chưa tính đến các lý do khác...

Thông báo của Cơ quan CSĐT huyện Thạnh Hóa (Long An). Ảnh: Báo Pháp luật TP. HCM

Quan liêu ở đây là việc xa rời thực tế, đem suy nghĩ của mình áp đặt cho người khác, đối với công an khi làm nhiệm vụ thì phải mặc cảnh phục, phải là ca trực, phải được phân công, phải tuân thủ nghiêm các quy định của ngành công an. Nhưng theo quy định của Luật Báo chí 2016 thì không chỉ phóng viên mà mỗi công dân đều có quyền phản ánh những thông tin kịp thời, chính xác, chân thực, khách quan trên báo chí – Điều 10; Quyền tự do báo chí của công dân, Điều 11: Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

Do vậy, theo quy định mỗi người dân đều có thể là một phóng viên nghiệp dư. Đối với hoạt động báo chí, ngoài việc tuân thủ các quy định của Luật Báo chí, các quy chế của chính cơ quan quản lý họ, các phóng viên báo, đài có đặc trưng của hoạt động nghề báo là tính tự do về ăn mặc để thoải mái, thuận tiện di chuyển trong quá trình tác nghiệp khi sử dụng máy ảnh, máy quay để phản ánh vấn đề kịp thời chân thực nhất.

Luật sư Dương Văn Thụ, Văn phòng Luật sư Thiên Dương (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội). Ảnh: Kim Chiến

Cũng theo luật sư Dương Văn Thụ: “Thi hành công vụ” hiểu theo nghĩa đơn thuần hẹp là làm nhiệm vụ theo sự phân công, chỉ đạo của cơ quan. Việc các phóng viên báo, đài Long An đi xe của cơ quan xuống làm việc về vấn đề thư phản ánh của nhân dân gửi đến cơ quan báo, đài nhưng có thể do bài viết phản ánh mặt trái, cần cải trang, bí mật điều tra thì cũng đã thể hiện “ thi hành công vụ” rồi. Trong trường hợp phóng viên tự ý đi tác nghiệp không theo kế hoạch, chỉ đạo nhưng thuộc phạm vi, nhóm việc được phân công phụ trách mà lại là thư phản ánh gửi đến cơ quan báo về vấn đề bức xúc của xã hội mà chính cơ quan quản lý phóng viên đó chấp nhận cũng được coi là “ thi hành công vụ” vì cần tính kịp thời tin, bài trên báo, còn có phù hợp hay không lại do ban biên tập và lãnh đạo duyệt. Vì tính thời sự của báo chí nên việc phải chờ lãnh đạo ký, duyệt, chỉ đạo công việc là rất khó và xa rời thực tế.

Luật sư Dương Văn Thụ cho rằng: Riêng với việc không khởi tố đối với những người hành hung các phóng viên, tôi chưa tìm thấy một quy định nào yêu cầu phóng viên báo, đài bắt buộc phải mặc trang phục, gắn logo trong quá trình tác nghiệp. Hơn nữa, các phóng viên báo, đài Long An thực hiện ghi hình ảnh tại khu vực kênh 3, ngụ ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa đối với phản ánh bức xúc của người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường, địa điểm đó nằm ngoài Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa. Theo thông tin trên báo chí phản ánh thì những người hành hung phóng viên lại chính là nhân viên của nhà máy trên. Do vậy, việc cơ quan điều tra đưa ra một số căn cứ như trên để không khởi tố vụ án là thiếu tính thuyết phục, khách quan trong thực thi pháp luật.

Ngày 12/12, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Long An, Giám đốc Đài PT-TH Long An cho biết: Chúng tôi không chấp nhận kết luận của Cơ quan điều tra về vụ hành hung các phóng viên Cao Thị Kim Ngân – Phạm Đức Cảnh (Đài PT-TH tỉnh Long An); Nguyễn Thị Mận (Báo Long An) bởi các lý do sau:

Thứ nhất, trong buổi tác nghiệp ngày hôm đó trong nhóm phóng viên có 2 chiếc thẻ viên chức, nằm trong ngạch bậc công chức do Nhà nước cấp, do vậy khi đi làm việc là họ đang thi hành công vụ.

Thứ hai, các phóng viên đài PT-TH Long An đi tác nghiệp là có giấy đăng ký do Trưởng phòng thời sự Đài PT-TH Long An ký trên cơ sở định hướng tuyên truyền của Tổng biên tập thì họ đi theo sự phân công của Trưởng phòng có giấy phân công công tác với thời gian, địa điểm, nội dung cụ thể.

Thứ ba, ở trên công cụ tác nghiệp (máy quay phim) có dán lo-go của Đài PT-TH Long An rất to, rõ ràng và dán ở vị trí rất dễ nhìn thấy.

Do vậy, chúng tôi không đồng ý với quan điểm của cơ quan điều tra cho rằng các phóng viên đi tác nghiệp “không đảm bảo yếu tố thi hành công vụ”.

Thêm nữa, trong thông báo kết luận của cơ quan điều tra không có ý nào kết luận về động cơ hành hung nhóm phóng viên, giả dụ như “vì lý do gì mà các đối tượng hành hung?”. Điểm này rất quan trọng thì không làm rõ được, bởi chỉ khi động cơ được làm rõ thì mới nói lên được bản chất của sự việc.

Trên cơ sở đó “Căn cứ Luật Báo chí, Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam, chức năng, nhiệm vụ được giao, nhằm ngăn ngừa xảy ra các vụ việc tương tự, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tác nghiệp của những người làm báo, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Long An kính đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi ngăn cản, hành hung phóng viên khi đang tác nghiệp" - ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Long An, Giám đốc Đài PT-TH Long An nhấn mạnh./.


Kim Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN