Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phong trào thi đua góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngành LĐ-TB&XH

Thứ Ba, 17/11/2020 23:56 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước của ngành LĐ-TB&XH đã phát triển sâu rộng, trên mọi lĩnh vực. Từ những phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp đã xuất hiện nhiều đơn vị, tập thể điển hình, tiêu biểu đi đầu trên từng lĩnh vực.

Ngày 17/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Lao động - Thương binh và Xã hội lần thứ V, năm 2020. Đến dự có Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh.

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Đại hội (Ảnh: MD)

 Nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: 75 năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã đồng hành cùng đất nước, liên tục đổi mới sáng tạo góp phần tích cực vào công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. 5 năm qua, trong bối cảnh thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, ngành đã luôn thực hiện phương châm: "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả". Ngành LĐ-TB&XH đã cùng phục vụ đất nước vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách để đạt được những kết quả ấn tượng. Trong đó, nổi bật là vấn đề xây dựng thể chế, đổi mới lãnh đạo, đột phá trong giải quyết những vấn đề khó, vấn đề mới để tạo ra nhiều nội dung chưa có tiền lệ. Những kết quả đó của ngành đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá và tặng những phần thưởng cao quý.

Theo Bộ trưởng, Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 5 nhằm đánh giá những kết quả thi đua trong 5 năm qua, tôn vinh những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến. Đồng thời, tập trung xem xét lại và tạo ra phong trào thi đua mới trong 5 năm tới để ngành LĐ-TB&XH tiếp tục có những đổi mới xứng đáng là một Bộ hiện thân của lòng nhân ái.

Nguồn: VTV 

Theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016 – 2020, các đơn vị trong toàn ngành từ cơ quan Bộ đến các sở, các đơn vị sự nghiệp đã làm tốt vai trò là tham mưu, đề xuất, tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động lớn như các phong trào thi đua "Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tư vấn, giới thiệu việc làm"; phong trào "Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa"; phong trào "Nâng cao chất lượng phục vụ điều dưỡng người có công", phong trào "Nâng cao chất lượng phục hồi chức năng cho thương bệnh binh và trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt" ở các trung tâm điều dưỡng thương binh và các trung tâm bảo trợ xã hội; phong trào “Ngày vì người nghèo”; phong trào "Nâng cao chất lượng cai nghiện, giáo dục, chữa trị cảm hóa người nghiện", "Xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội", "Thi đua dạy tốt, học tốt" trong các trường, trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và tu dưỡng nghề nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp và hội nhập quốc tế.

Từ những phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp đã xuất hiện nhiều đơn vị, tập thể điển hình, tiêu biểu đi đầu trên từng lĩnh vực như: Lào Cai, Bắc Kạn, Lai Châu... đã thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.Hà Nội, Cần Thơ... về dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; Bắc Giang, Quảng Ngãi... về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; TP. Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai... đã thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động; Yên Bái, Đắk Lắk, Bình Phước, Đồng Tháp... có thành tích trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Trong lĩnh vực người có công, các chính sách tiếp tục được hoàn thiện, mở rộng về đối tượng thụ hưởng, nâng cao mức trợ cấp người có công, nhiều đề án mới được xây dựng và tổ chức thực hiện như: Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, giải quyết hồ sơ tồn đọng...

Hưởng ứng “Phong trào cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; cùng với những chính sách đã ban hành trước đó, hướng tới mục tiêu cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở các huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, hệ thống chính sách trợ giúp xã hội được xây dựng, ban hành ngày càng hoàn thiện hơn, bao phủ được phần lớn các đối tượng bảo trợ xã hội. Số đối tượng bảo trợ xã hội được trợ giúp từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn, để các đối tượng hoà nhập cộng đồng. Ngoài ra, các phong trào thi đua cũng đã tạo động lực để Ngành hoàn thành tốt nhiêm vụ trên các lĩnh vực như: Bảo vệ và chăm sóc trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hôi, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ…

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Đại hội (Ảnh: Mạnh Dũng) 

Thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội

Phát biểu tại đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương, đánh giá cao phong trào thi đua yêu nước của ngành LĐ-TB&XH. Trong 5 năm qua, trên tinh thần lấy con người làm trung tâm, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương chính sách, pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đặc biệt, trong Bộ luật Lao động năm 2019 trình Quốc hội thông qua đã thể chế hóa những quy định của hiến pháp và phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường lao động.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu, lực lượng lao động nước ta dồi dào tăng từ 53,9 triệu lao động lên 56,12 triệu lao động. 5 năm qua, Việt Nam đã giải quyết việc làm mới cho 7.850.000 lượt người. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, giáo dục nghề nghiệp có bước phát triển và gắn với thị trường lao động cũng như nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 64,5%, cơ cấu lao động và cơ cấu việc làm chuyển dịch hướng theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được nâng lên. Người có công, đặc biệt gia đình liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm chăm lo, hỗ trợ toàn diện. An sinh xã hội được tăng cường, kịp thời hỗ trợ người dân gặp rủi ro trong cuộc sống. Các chính sách xã hội tiến tới bao phủ toàn dân, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng lên đối với tất cả nam và nữ, khoảng cách giới trên tất cả các lĩnh vực được thu hẹp, vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng cao, các quyền cơ bản của trẻ em được tôn trọng và đảm bảo thực hiện. Đặc biệt, Bộ đã kịp thời tham mưu Chính phủ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động, người có công, hộ nghèo gặp khó khăn trong đợt COVID -19 vừa qua.

Các phong trào thi đua đã được ngành LĐ-TB&XH tích cực hưởng ứng, trong đó phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo- Không ai bị bỏ lại phía sau" được thực hiện có hiệu quả thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững do Bộ là cơ quan quản lý. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 9,2% từ đầu nhiệm kỳ hiện còn khoảng 3%, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch nước yêu cầu, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục quán triệt và vận động sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Tham gia thực hiện có hiệu quả 4 phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng phát động.

Thực hiện nghiêm công tác đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua lựa chọn các cá nhân điển hình tiên tiến để tôn vinh khen thưởng kịp thời. Coi trọng và thực hiện đồng bộ việc tổng kết những điển hình tiên tiến để tạo sự lan tỏa trong ngành cũng như toàn xã hội. Kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động tham mưu Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp cũng như đội ngũ chuyên trách thi đua khen thưởng trong ngành.

Cần tăng cường xây dựng Đảng bộ Bộ LĐ-TB&XH trong sạch, vững mạnh. Phát huy vai trò hạt nhân của các tổ chức cơ sở Đảng, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và tích cực tham gia phong trào thi đua. Nâng cao chất lượng hiệu quả, xây dựng và thực hiện các chính sách người có công và xã hội trên quan điểm gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, con người là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển.

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc (Ảnh: MD)

Phó Chủ tịch nước cũng yêu cầu tổ chức thực hiện Bộ luật Lao động, đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đất nước phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Rà soát, quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp; phân luồng, liên thông trong giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững; phát triển thị trường lao động hiện đại.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, đề xuất nâng mức trợ cấp ưu đãi người có công phù hợp điều kiện kinh tế đất nước, xử lý dứt điểm các tồn đọng xác nhận người có công… Hoàn thiện chính sách xã hội theo hướng tăng cường gắn kết xã hội, phát huy các giá trị văn hóa con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết; phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện tiến tới bao phủ toàn dân, phát triển hệ thống BHXH đa dạng, đa tầng hiện đại và hội nhập quốc tế, mở rộng chính sách trợ giúp xã hội, các quyền trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, thúc đẩy bình đẳng giới, quan tâm phòng chống tệ nạn xã hội.

Tại đại hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Ủy viên Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 – 2025 trong toàn ngành./.

Minh Thư

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN