Phòng, chống dịch là nhiệm vụ của mỗi người dân
(ĐCSVN) – Những ngày này, trên cả nước có bao nhiêu con người thuộc các lực lượng đang phải vất vả ngày đêm, đối mặt hiểm nguy, xả thân để đối phó với dịch bệnh. Việc nâng cao trách nhiệm với cộng đồng của từng cá nhân không chỉ thể hiện sự trân trọng với những công sức, sự hy sinh của các lực lượng, mà còn là cơ sở có ý nghĩa quyết định để chúng ta cùng chiến thắng dịch bệnh COVID-19.
Những câu chuyện đối lập
Khoảng một tuần trở lại đây tính từ bùng phát trở lại ở Hải Dương và Quảng Ninh, COVID-19 có lẽ là từ được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng và các diễn đàn xã hội. Cùng với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của Chính phủ và các cấp, các ngành, nhiều “ổ dịch” đã kịp thời được phong tỏa; đã có hàng vạn người được cách ly với các cấp độ khác nhau. Nhìn chung, chủ trương “khẩn trương, quyết liệt” dập dịch đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đại bộ phận người dân.
Sinh sống tại Quảng Ninh, là một trong những địa phương đầu tiên liên quan đến đợt dịch lần này, từ vài ngày trước, dù chính quyền không yêu cầu nhưng chị Nguyễn Thị Mỹ Linh ở phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả vẫn tự giác đóng cửa cơ sở spa của mình. Bình thường, những ngày cuối năm, công việc nhiều, mỗi ngày có thể thu về nhiều triệu đồng nhưng vì sức khỏe của bản thân, gia đình và muốn góp sức cùng chống dịch nên chị tự nguyện tạm dừng hoạt động. “Càng gần Tết, khách hàng đến spa làm đẹp càng nhiều. Song, trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh COVID-19, tôi quyết định tạm đóng cửa dù sẽ bị giảm nguồn thu. Việc phòng, chống dịch chỉ có được hiệu quả khi mỗi người tham gia hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể”.
Còn tại trường Tiểu học Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), đang thực hiện cách ly tập trung đối với 80 trường hợp F1 là học sinh, giáo viên và phụ huynh liên quan đến một trường hợp dương tính với COVID-19 là học sinh lớp 3 của trường. Dù mới chỉ học lớp 3, nhưng với sự hướng dẫn, động viên của bố mẹ, thầy cô, rất nhiều em đã có ý thức chấp hành tốt quy định tại khu cách ly. Do học bán trú, buổi trưa thường ngủ nghỉ lại lớp học nên cơ bản các em học sinh đã thích ứng với các hoạt động cách ly.
Tuy nhiên, bên cạnh số đông người dân tích cực hưởng ứng các hoạt động chống dịch, dập dịch thì đáng buồn, vẫn có khá nhiều người tỏ ra thờ ơ, thậm chí là vô trách nhiệm khi không tự giác kê khai y tế dù là F0, F1 hay tìm mọi cách ra khỏi vùng dịch bất chấp các quy định của cơ quan chức năng.
Vài ngày trước, dư luận xã hội đã bức xúc khi rất nhiều người đổ xô ra các bến cóc dọc quốc lộ 18, trên địa bàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (vùng có dịch), tìm đủ cách bắt xe để về quê ăn Tết bất chấp việc địa phương này vừa công bố các ca nhiễm COVID-19. Trong khi tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản tạm dừng hoạt động vận tải khách tại bến xe, bến tàu, việc làm của những cá nhân này đã đưa đến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn cho xã hội.
Trưa 28/01, nhiều người đổ xô ra "bến cóc" bắt xe rời Quảng Ninh. (Ảnh: NH). |
Đặc biệt, theo thông tin từ Bộ Y tế, trong đợt dịch này có tới 20% các F0 (bệnh nhân mắc COVID-19), khi được phát hiện và liên hệ đã không hợp tác với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó là hàng trăm ca F1 đã không chủ động khai báo tình thế nguy cấp, từ chối giao tiếp với lý do “tôi rất khoẻ, tôi có làm sao đâu". Đây là hành động thiếu trách nhiệm với cộng đồng, vi phạm nghiêm trọng các quy định về phòng, chống dịch. Hành động này cần phải bị lên án, xử lý nghiêm khắc. Trong khi cả nước đang ra sức chống dịch bệnh, ngay đến những cháu học sinh lớp 3 cũng chấp nhận xa vòng tay của bố mẹ để đón Tết tại khu cách ly, thì thật khó hiểu vẫn có những người với đầy đủ năng lực hành vi thì lại hành động thiếu trách nhiệm với cộng đồng, gieo rắc những nguy cơ dịch bệnh cho gia đình và xã hội? Đây thực sự là những hành động lạc lõng giữa quyết tâm phòng, chống dịch COVID-19 của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện nay.
Cá nhân phải có trách nhiệm với cộng đồng
Thực tế, không phải chỉ đến thời điểm này, chúng ta mới cảm nhận được mối nguy hiểm khủng khiếp của đại dịch COVID-19. Đến nay, sau hơn 1 năm tính từ ngày phát hiện ca bệnh đầu tiên, dịch COVID-19 đang là “nỗi ám ảnh” của hầu hết các quốc gia trên thế giới với gần 104 triệu ca bệnh, hơn 2,2 triệu người chết. Nêu lên những con số này để thấy được tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Ở nước ta, trong suốt thời gian qua, các ngành, các lực lượng đã thực hiện có hiệu quả lời kêu gọi đoàn kết của Đảng, Chính phủ cùng tạo lên sức mạnh tổng hợp để kiểm soát dịch bệnh. Đã có hàng vạn chiến sĩ xung kích trên tuyến đầu chống dịch; hàng nghìn y, bác sỹ không quản hiểm nguy đồng hành cùng người dân trong các khu cách ly. Nhân dân cả nước cũng đã thường xuyên sẻ chia vật chất, tinh thần để cùng nhau vượt qua dịch bệnh ngay cả trong những giai đoạn cam go nhất… Cơ bản, các tổ chức, các lực lượng đều dồn sức cho việc chống dịch theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Trong gian khó của dịch bênh, tình dân tộc, nghĩa đồng bào lại càng trở lên gắn kết.
Phát huy những kết quả phòng, chống dịch trong năm qua, từ cuối tháng 01/2021 đến nay, cùng với việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cả nước lại cùng đoàn kết, đồng lòng hạn chế sự lây lan dịch bệnh COVID-19. Với sự nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh của chủng virut mới trong đợt dịch lần này, việc phòng, chống dịch COVID -19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, đòi hỏi sự chung sức của toàn dân. Để đẩy lùi COVID-19, bên cạnh những nỗ lực, sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan đoàn thể, rất cần đến thái độ tích cực và ý thức trách nhiệm của chính mỗi người dân.
Đề cao trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng là cơ sở để chúng ta đẩy lùi dịch COVID-19. (Ảnh: DL). |
Mỗi người cần thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua những việc làm giản đơn, thiết thực. Đó là việc tự giác thực hiện khai báo y tế, thực hiện cách ly nếu thuộc diện quy định; chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch của chính quyền các cấp; nâng cao ý thức trong việc tự bảo vệ mình với việc đeo khẩu trang khi ra đường, thường xuyên sử dụng dung dịch sát trùng, diệt khuẩn... Khi thực hiện những việc này, trước hết mỗi người đã tự bảo vệ sức khỏe của chính mình; đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Bởi dù nhỏ, nhưng mỗi việc làm góp sức chống dịch của từng người cũng là sự đồng lòng chung tay vì sức khỏe của cộng đồng , vì một Việt Nam an toàn, phát triển.
Chỉ còn chưa đầy chục ngày nữa Tết Tân Sửu sẽ đến với mọi gia đình. Những ngày này, trên cả nước có bao nhiêu con người thuộc các lực lượng đang phải vất vả ngày đêm, đối mặt hiểm nguy, xả thân để đối phó với dịch bệnh. Việc nâng cao trách nhiệm với cộng đồng của từng cá nhân không chỉ thể hiện sự trân trọng với những công sức, sự hy sinh của các lực lượng nói trên, mà còn là cơ sở có ý nghĩa quyết định để chúng ta cùng chiến thắng dịch bệnh COVID-19./.