Phòng, chống dịch bệnh đảm bảo sức khỏe cho người dân dịp Tết, mùa lễ hội
(ĐCSVN) – Để chủ động công tác phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp và trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, ngành y tế địa phương đã triển khai nhiều hoạt động bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Ảnh minh họa. Nguồn: Vũ Lân |
Hậu Giang: Chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm dịp Tết
Tỉnh Hậu Giang yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp tăng cường công tác y tế đảm bảo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Cụ thể, các đơn vị, địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là trước nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh tiếp tục nâng cao mức cảnh giác, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại; đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tham gia công tác phòng, chống dịch đảm bảo an toàn, hiệu quả, kiểm soát dịch bệnh và duy trì kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi được Bộ Y tế phân bổ.
Tỉnh cũng thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình dịch bệnh trong nước và trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt đối với dịch bệnh (lây truyền qua đường hô hấp, truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi). Theo dõi, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát kéo dài tại cộng đồng.
Cùng với đó, Hậu Giang tăng cường các biện pháp truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng cho trẻ em đúng độ tuổi; phổ biến kiến thức đến các đơn vị, người dân trên địa bàn về phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là các dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh. Tổ chức tập huấn, xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ.
Các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức thực hiện ứng trực 24/24 giờ; bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết. Triển khai hiệu quả việc phân tuyến, phân luồng, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh.
Thành phố Hồ Chí Minh: Cẩn trọng với tai nạn pháo nổ trong ngày nghỉ Tết
Thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều trẻ em bị tai nạn do pháo nổ. Các bác sĩ cảnh báo, tai nạn pháo nổ là một trong những tai nạn thương tích nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ cũng như những người xung quanh.
Mới đây, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận một bé trai 14 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương, trong tình trạng bị đứt lìa một ngón tay ở bàn tay trái, cả hai bàn tay có vết thương nham nhở, lở loét, lấm tấm nhiều vết đen. Sau khi khai thác bệnh sử, bé trai thừa nhận bị thương do tự chế pháo gây nổ. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật khâu lại mỏm cụt, mổ cắt lọc vết thương, lấy hết dị vật và điều trị kháng sinh. Sau 7 ngày, bệnh nhi được xuất viện nhưng vì mất một ngón tay nên sẽ gặp khó khăn trong việc cầm nắm sau này.
Trước đó, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cũng tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bé trai 12 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk, bị thương do tai nạn pháo nổ. Trường hợp này bệnh nhi bị cụt hết các ngón của bàn tay phải, chỉ còn lòng bàn tay.
Bác sĩ Trịnh Minh Giám, Khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cho biết, thời gian gần đây, tần suất trẻ em bị tổn thương phải nhập viện do tự chế pháo tăng lên. Chỉ trong hơn một tháng qua, đơn vị này tiếp nhận 4-5 trường hợp trẻ em tai nạn do pháo nổ. “Điều này thật đáng lo ngại, đặc biệt trong giai đoạn gần Tết Nguyên đán, học sinh không phải đến trường thì nguy cơ trẻ tò mò, tự chế pháo nổ và gây tai nạn càng cao”, bác sĩ Trịnh Minh Giám chia sẻ.
Hồi giữa tháng 1/2024, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận điều trị cho hai trường hợp bị tai nạn do tự chế pháo tại nhà. Đó là hai bé trai 14 tuổi và 15 tuổi ngụ tỉnh Lâm Đồng. Bác sĩ Phạm Thái Sơn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc, mất máu, tổn thương nhiều cơ quan từ mặt, khí quản, ngực, bụng... Các bác sĩ đã phối hợp nhiều chuyên khoa, phẫu thuật hơn 10 giờ lấy dị vật, cứu sống hai bệnh nhi.
Theo bác sĩ Phạm Thái Sơn, từ tháng 12/2023 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận một số trường hợp tai nạn do liên quan đến pháo nổ, đặc biệt thường gặp ở nhóm tuổi thanh thiếu niên từ 10 tuổi trở lên. Hầu hết các trẻ này học theo các video clip trên mạng tự chế tạo pháo và gây nổ.
Bác sĩ Trịnh Minh Giám, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cảnh báo, việc trẻ em tự chế tạo pháo theo các công thức trên mạng xã hội là vô cùng nguy hiểm. Việc này tiềm ẩn nguy cơ phát nổ, nhẹ thì vết thương đơn giản, nặng thì gây mất bàn tay, nặng hơn là tổn thương mặt và cơ thể và thậm chí có thể gây tử vong. Bác sĩ khuyến cáo gia đình và nhà trường cần có sự quản lý chặt chẽ, giải thích cho các em hiểu sự nguy hiểm của tự chế pháo.
Ảnh minh họa. Nguồn: TH |
Hà Nội: Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong thời tiết diễn biến bất thường
Thông tin về phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp, Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, một số khu vực trên thế giới đang trong mùa Đông giá lạnh, gió mùa là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp lây lan. Số mắc COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp ghi nhận gia tăng trong thời gian qua, nhiều trường hợp phải nhập viện.
Tại nước ta, thời tiết vẫn diễn biến bất thường. Miền Bắc đang là mùa giá lạnh, hanh khô, xen kẽ nồm ẩm là nguyên nhân khiến nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm sắp tới; nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp và trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Chỉ thị về đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán và lễ hội 2024.
Bộ Y tế đã liên tục có các công văn số 8147/BYT-DP ngày 22/12/2023 và công văn số 40/DP-DT ngày 16/1/2024 để chỉ đạo việc tăng cường phòng, chống dịch mùa đông xuân và trong dịp Tết, mùa lễ hội đầu năm; thường xuyên cung cấp, cập nhật khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân, bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Bộ chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur và Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm những biến thể mới, tác nhân gây bệnh, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ mang thai...
Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế khẩn trương tham mưu UBND các tỉnh, thành phố sớm ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bố trí kinh phí, huy động nguồn lực và tham mưu HĐND ban hành định mức chi các nội dung phạm vi lĩnh vực y tế dự phòng, phòng, chống dịch để chủ động triển khai phòng, chống dịch ngay từ đầu năm. Bộ đã hoàn thiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, đang hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị ban hành.../.