Phòng chống COVID-19: Cấp bách nhưng cần cẩn trọng
(ĐCSVN) – Gần đây, bên cạnh những hình ảnh đau lòng về số người mắc và tử vong do COVID-19 với con số rất đáng báo động thì tin tức về vụ cháy bệnh viện, khoa phòng điều trị bệnh nhân trong đại dịch này cũng là tâm điểm của truyền thông quốc tế cũng như thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân. Phòng chống COVID-19 được ưu tiên hàng đầu, song an toàn của các bệnh viện cũng là vấn đề cần được lưu tâm.
Hiện trường vụ hỏa hoạn tại bệnh viện Ibh Khatib, ở Iraq. (Ảnh: theguardian.com) |
Đến sáng 29/4, số lượng người nhiễm COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc 150 triệu, đánh dấu ở con số 150.196.774 ca nhiễm, và kèm theo đó là 3.162.947 ca tử vong. Trong một ngày qua có thêm 870.271 ca nhiễm và 14.733 ca tử vong mới vì đại dịch này. Các chuyên gia nhận định, nhiều quốc gia đã ghi nhận ca mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, Ấn Độ tiếp tục là tâm dịch của thế giới khi nhiều ngày liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày, ngày sau cao hơn ngày trước, và số ca tử vong theo ngày do COVID-19 cũng liên tục lên mức cao mới. Báo chí và các phương tiện truyền thông xã hội đang lan truyền ngày càng nhiều những hình ảnh hãi hùng về sự hoành hành của dịch bệnh và tình trạng thất thủ của hệ thống y tế quốc gia.
Trong bối cảnh thế giới phải huy động tổng lực của hệ thống y tế nhằm ứng phó với đại dịch, khi người dân liên tục bàng hoàng trước thống kê về số người tử vong do loại virus chết người thì thông tin thương vong liên quan tới các vụ cháy tại các bệnh viện, khoa điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 lại khiến nỗi đau càng thêm chất chồng. Thế giới tiếp tục bị cảnh tỉnh: Khi người bệnh đang chật vật để thoát khỏi cái chết vì dịch bệnh thì lại rơi ngay vào cửa tử chỉ vì “sơ suất” của các cơ sở y tế!
Tại Ấn Độ, đã có nhiều vụ cháy tại các bệnh viện, khoa điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Nguyên nhân phần lớn liên quan đến bình dưỡng khí cung cấp oxy cho bệnh nhân. Ngày 23/4, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại bệnh viện Virar ở ngoại ô thành phố Mumbai, một trong những thành phố đông dân nhất Ấn Độ, khiến ít nhất 13 bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng. Theo điều tra, một vụ nổ xảy ra tại phòng điều trị đặc biệt cho các bệnh nhân mắc COVID-19 có thể là nguyên nhân dẫn tới vụ hỏa hoạn. Ngoài ra, có 4 bệnh nhân khác cũng đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại một bệnh viện tư nhân ở Maharashtra vào đầu tháng 4/2021. Tháng trước, một vụ hỏa hoạn khác tại phòng khám ở Mumbai cũng đã khiến 11 người thiệt mạng.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Iraq ngày 25/4 xác nhận đám cháy bùng phát tại một bệnh viện ở thủ đô Baghdad tối 24/4 đã khiến 82 người thiệt mạng và 110 người khác bị thương. Đây là bệnh viện chăm sóc người bệnh có các triệu chứng mắc COVID-19 thể nặng. Theo báo cáo, hỏa hoạn tại bệnh viện Ibh Khatib xuất phát từ một bình oxy phục vụ máy thở cho các bệnh nhân COVID-19 phát nổ.
Những vụ việc vừa qua đặt ra câu hỏi: Vì sao các bệnh viện hoặc khoa, phòng chuyên điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 lại dễ bị cháy hơn?
Trước đây, ngành y tế Anh đã từng đưa ra cảnh báo này với các bệnh viện, theo đó nguy cơ cháy, nổ tại các bệnh viện, khoa phòng điều trị bệnh nhân COVID-19 gia tăng do đây là nơi tập trung nhiều máy thở. Các máy thở này có thể làm cho không khí thêm nhiều oxy hơn, dễ phát lửa to khi có sự cố. Chính vì vậy, hướng dẫn cho các bệnh viện tại Anh nhấn mạnh rằng do oxy được tăng cường trong các khu vực điều trị, các bệnh viện cần tối đa hóa lưu thông không khí bằng hệ thống "thông gió tự nhiên và cơ học". Điều này sẽ làm giảm lượng khí oxy trong không khí và giảm nguy cơ cháy nổ.
Có lẽ không phải các cơ sở y tế không biết tới những cảnh báo tương tự mà phải thừa nhận thực tế rằng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu chữa trị khẩn cấp đã đẩy hệ thống y tế của nhiều quốc gia vào tình trạng quá tải và người ta phải ứng phó với tình trạng thiếu thuốc men, thiếu thiết bị y tế, thiếu nhân viên y tế,… và tạm thời “lãng quên” những cảnh báo an toàn khác. Không những thế, đối với các quốc gia đang và kém phát triển, đặc biệt là những nước đã và đang trải qua xung đột, cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh vốn nhiều yếu kém, bị xuống cấp trầm trọng, không được cải tạo, và thậm chí còn bị tàn phá bởi chiến tranh, thì nay lại tiếp tục chịu nhiều sức ép do đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trước làn sóng dịch ngày một cấp bách, để không tiếp tục tái diễn những thảm kịch tương tự, yêu cầu đặt ra cần phải bảo đảm mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa cho các bệnh viện, các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19. Như Thủ tướng Iraq Al-Khadhimi đã từng nhấn mạnh sau vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra tại bệnh viện Ibh Khatib của quốc gia này: “Sơ suất trong những việc như thế này không phải là lỗi lầm mà là tội ác, tất cả các bên để xảy ra sơ suất phải chịu trách nhiệm”.
Mặc dù không thể phủ nhận tính cấp bách trong các chiến dịch phòng chống đại dịch COVID-19 song chúng ta cũng không thể lơ là những tiêu chí khác trong việc bảo vệ an toàn bệnh viện. Chỉ một sơ suất dù là nhỏ tại cơ sở y tế cũng có thể phải trả giá bằng cả sinh mạng con người. Bài học từ những vụ cháy vừa xảy ra không chỉ thấy qua hàng trăm sinh mạng con người bị mất đi, mà nó còn phải trả bằng những khó khăn cho rất nhiều bệnh nhân khác đang phải chật vật điều trị COVID-19 tại bệnh viện. Chính vì vậy, cẩn trọng trong mọi tình huống, dù là cấp bách, chắc chắn là việc làm cần thiết hơn bao giờ hết để góp phần bảo vệ người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế trong cuộc chiến phòng ngừa và điều trị lây nhiễm dịch COVID-19 vốn đang rất phức tạp và khó khăn này./.